Hương Sơn là địa phương đứng thứ 2 toàn tỉnh về số lượng hồ chứa, đập dâng với 143 hồ chứa thủy lợi và 1 hồ thủy điện. Sau khi phân cấp, 7 hồ có dung tích lớn trên 1 triệu m3 được bàn giao cho Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh; 136 hồ còn lại do các địa phương điều tiết, quản lý. Hậu quả của thiên tai nối tiếp thiên tai đã làm cho các hồ chứa thủy lợi, đập dâng trên địa bàn vốn đã cũ kỹ, lạc hậu về thiết kế do được xây dựng từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước càng “chông chênh” trước cơn thịnh nộ của trời đất.
Hồ Tràng Riềng xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được đầu tư sửa chữa. |
Ông Võ Văn Phúc - Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: “Huyện vừa phối hợp với Chi cục Thủy lợi kiểm tra thực trạng của 97 công trình thì có đến 24 công trình mất an toàn. Đây là mối nguy hiểm thực sự trong mùa mưa bão”.
Hồ Khe Cò (Sơn Tiến), một trong những đầu mối trọng điểm có dung tích lớn nhất huyện với 3,2 triệu m3. Để vào đến tận chân đập, chúng tôi phải đi bộ gần 1 km vì đường quá hẹp và lầy lội. Được xây dựng từ năm 1966, gần 50 năm đảm nhiệm công việc cung ứng nước sản xuất, giảm lũ vùng hạ du thì đến nay đã xuất hiện hiện tượng thấm ở thân đập, cống lấy nước bị rò rỉ. Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh cho biết, so với nhiều công trình khác thì hồ Khe Cò vẫn khá ổn định. Tuy nhiên, con đường dẫn vào thân đập khá vất vả, có thể gây khó khăn cho công tác ứng cứu khi sự cố xảy ra. Giải pháp trước mắt là công ty chủ trương sửa chữa cống lấy nước, đồng thời giao tổ công tác túc trực, kiểm tra thường xuyên để có phương án khắc phục kịp thời.
Trong số 7 công trình công ty quản lý thì có ít nhất 2 công trình nằm trong tầm “báo động”. Ngay cả mùa này, khi mực nước trong các hồ không quá lớn thì mái đập hạ lưu của hồ Vực Rồng (1,7 triệu m3) và Khe Dẻ (1,337 triệu m3) thấm dài thành những dòng chảy lớn. Vụ vỡ đập Khe Mơ (Sơn Hàm) trong mùa mưa bão 2010 cũng xuất phát từ nguyên nhân tương tự. Nếu mưa bão lớn ập về, nguy cơ mất an toàn ở các hồ này rất cao!
Không chỉ các hồ lớn mà nỗi bất an của người dân Hương Sơn còn ở những hồ đập nhỏ do địa phương quản lý. Sau hai trận lũ quét do ảnh hưởng của bão số 10 và 11 hồi năm ngoái, nhiều công trình đang “ngắc ngoải” vì… không còn gì để hỏng. Nếu không khắc phục kịp thời thì không ai có thể dám chắc chúng không trở thành hiểm họa của vùng hạ du khi mưa to, gió lớn. Cũng phải nói thêm rằng, nằm trong diện quản lý của các địa phương và HTX nông nghiệp, công tác quản lý, vận hành hồ chưa đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. Trong khi đó, tại những điểm này thường không có người quản lý thường xuyên khiến cho việc xử lý sự cố, xác định nguyên nhân và tìm giải pháp an toàn cho những công trình này trở nên “rối như tơ vò”.
Một thực tế đáng lo ngại là, trong khi nhiều hồ đập xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí nguy cơ vỡ rất cao nhưng gần như sự đầu tư nâng cấp, sửa chữa không có. Hồ chứa nước Tràng Riềng (Sơn Quang) là một ví dụ. Công trình được xây dựng từ năm 1976, nhưng chưa hoàn thành thì bị hỏa hoạn nên dừng lại. Sau đó hồ vẫn được đưa vào sử dụng nhưng luôn trong trạng thái… tạm bợ.
Do quá lâu ngày không được tu sửa nên nhiều đoạn thân đập đã bị xói lở nghiêm trọng. Trong khi đó, ngay sát hồ là hàng trăm hộ dân thôn Song Con sinh sống và cả một tuyến đường giao thông liên xã chạy qua, rất nguy hiểm nếu sự cố vỡ đập xảy ra.
Ông Trần Quốc Pháp - quyền Trưởng BQL các dự án xây dựng cơ bản huyện Hương Sơn cho biết: “Trước vấn đề cấp bách của hồ Tràng Riềng, chúng tôi đã làm hồ sơ trình UBND tỉnh và Sở KH&ĐT xin chủ trương đầu tư với mong muốn sớm được quan tâm để đảm bảo an toàn hồ trong mùa mưa lũ. Không chỉ bảo đảm nước tưới cho 240 ha đất nông nghiệp của Sơn Quang và Sơn Giang, mà quan trọng hơn hết là bảo đảm an toàn cho hàng trăm hộ dân phía hạ du đập”.
Ông Pháp cũng cho biết thêm, hồ Khe Dẻ cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Huyện đã xây dựng dự án sửa chữa, được UBND tỉnh phê duyệt từ đầu năm 2011, nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí vốn để triển khai.
Là địa bàn miền núi nên Hương Sơn thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét. Trong khi đó, các hồ đập xuống cấp nghiêm trọng vẫn chưa được đầu tư sửa chữa, là nỗi lo canh cánh đối với lãnh đạo, nhân dân Hương Sơn.
NGUYỄN OANH - CHÍNH THU
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn