Dự họp có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-TKCN tỉnh, lãnh đạo các sở ngành, địa phương.
Bão số 10 trực tiếp đổ bộ vào khu vực phía Nam Hà Tĩnh với tốc độ di chuyển nhanh, thời gian đổ bộ dài nhất trong gần 30 năm lại nay (cấp độ rủi ro cấp 4). Tuy nhiên, nhờ chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, ứng phó trước khi bão vào nên không có thiệt hại về người.
Theo thống kê, thiệt hại do bão số 10 khá nặng, nhất là vùng tâm bão thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh và các huyện ven biển. Toàn tỉnh có trên 93.251 nhà bị thiệt hại; 332 ha lúa, trên 1.600 ha rau màu và hàng ngàn cây ăn quả, cây lâm nghiệp bị hư hại; nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; cơ sở hạ tầng bị hư hỏng khá lớn, nhất là hệ thống điện, thông tin liên lạc, cơ sở giáo dục...
Ngay sau bão đi qua, tỉnh đã triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả, nhất là huy động cả hệ thống chính trị thống kê, kiểm tra một cách khách quan, chính xác để chỉ đạo kịp thời và hỗ trợ thiệt hại; huy động lực lượng giúp bà con nhân dân tu sửa lại nhà cửa, dọn dẹp cây cối, vệ sinh môi trường sau bão; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có nhà bị hư hỏng, thiệt hại.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng: Biểu dương tinh thần, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn thể người dân trong phòng chống bão. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, cảnh báo bão đã đến tận người dân, giúp hạn chế tối đa thiệt hại. Thời gian tới, cần ưu tiên tập trung khắc phục điện, sửa chữa trường học, vệ sinh môi trường...
Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Từ Văn Diện:Công tác tiếp nhận, phân bổ hàng cứu trợ đang được chủ động triển khai, với phương châm “công khai, minh bạch, đúng đối tượng”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng:Bão số 10 cũng gây thiệt hại nặng nề đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp. Vì vậy, các sở ngành, địa phương cần quan tâm, động viên, giúp đỡ doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh...
Tại cuộc họp, đại biểu cho rằng, mặc dù bão rất mạnh, nhưng nhờ chủ động ứng phó “4 tại chỗ” nên đã hạn chế thấp nhất thiệt hại. Từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động triển khai các giải pháp ứng phó, với tinh thần cảnh giác, tập trung, quyết liệt, đồng bộ... Đặc biệt, diễn biến cơn bão được thông tin thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phát thanh nên người dân đã chủ động phòng, chống có hiệu quả.
Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh Nguyễn Văn Danh đề nghị các đơn vị, sở ngành liên quan tập trung khắc phục, sớm cấp điện, nước sạch trở lại cho người dân; chỉ đạo ổn định giá cả, vật tư...
Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Lê Trung Phước:Thiệt hại về hạ tầng nuôi trồng thủy sản ở Lộc Hà là khá nặng, đề nghị tỉnh tăng cường hỗ trợ thêm giống, đầu tư cơ sở hạ tầng để sớm khôi phục hoạt động nuôi trồng trở lại.
Các đại biểu cũng cho rằng, mặc dù đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, nhưng vẫn để xảy ra một số thiệt hại, nhất là nhà dân và các hạ tầng thiết yếu. Vì vậy, cần rút ra bài học trong xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình dân sinh, trong sản xuất hè thu, nuôi trồng thủy sản...
Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Phan Tấn Linh:Trước, trong và sau bão, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương đã kịp thời đưa tin với hàng nghìn tin bài, ảnh về công tác ứng phó, khắc phục bão; các nhà mạng đã thông tin báo bão cho hơn 3 triệu lượt thuê bao trên địa bàn tỉnh qua tin nhắn SMS.
Giám đốc Công ty Điện lực Hà Tĩnh Nguyễn Phúc Phong:Ngành điện đang tập trung 100% nhân lực cùng các nhà thầu làm việc 24/24h, phấn đấu đến 20/9 cơ bản cấp điện trở lại trong toàn tỉnh.
Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng:Sở đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, rà soát, yêu cầu các hộ kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh vật liệu xây dựng ký cam kết không tăng giá.
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn biểu dương, đánh giá cao các sở ngành, địa phương và nhân dân trong công tác phòng chống, khắc phục bão số 10. Tuy vậy, cơn bão cũng đã gây thiệt hại khá nặng nề về tài sản của người dân, doanh nghiệp, nhà nước không chỉ trước mắt mà cả lâu dài.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các sở ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo khắc phục hậu quả nhanh nhất, hiệu quả nhất; các cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng quân sự, công an, đoàn thể tiếp tục giúp dân tu sửa lại nhà cửa, dọp dẹp cây cối, vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh; tổ chức động viên, thăm hỏi những gia đình thiệt hại nặng.
“Quan điểm là tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp dân khắc phục hậu quả bão số 10; ưu tiên tập trung khắc phục điện, sửa chữa trường học, một số công trình thủy lợi xung yếu; vệ sinh môi trường, y tế dịch bệnh... Đặc biệt, cần đảm bảo đời sống, sản xuất cho người dân, tuyệt đối không để người dân nào bị thiếu đói, gặp khó khăn mà thiếu sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể.” – Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu từ tỉnh đến cơ sở tổ chức thống kê, kiểm đếm một cách khách quan, trung thực, chính xác thiệt hại do bão số 10 gây ra. Công tác tiếp nhận, phân bổ hàng cứu trợ phải công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Công tác tuyên truyền phải khách quan, chính xác, kịp thời, làm sao để khơi dậy sức dân, không trông chờ sự hỗ trợ, giúp đỡ; kịp thời phát hiện, cảnh báo những sai trái trong việc phân phối, hỗ trợ khắc phục thiệt hại.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn