Mô hình của chị Lê Thị Thanh Duyện, thôn Phúc Thành 2, xã Kỳ Thượng
Chúng tôi tới thăm gia đình chị Phạm Thị Hoa ở thôn Đông Hà, xã Kỳ Lâm, một trong những mô hình sản xuất kinh doanh điển hình của xã. Trước đây, do đất đai ít, thiếu vốn sản xuất nên chị không tìm ra hướng phát triển kinh tế phù hợp. Khi địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới, được tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chị Hoa thay đổi cách nghĩ, cách làm. Năm 2013, gia đình chị Hoa mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi lợn liên kết, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không dừng lại ở đó, vợ chồng chị còn đầu tư xây dựng lò mổ. Năm 2014, vườn rau sạch quy mô 200m2 trong nhà lưới đã được hiện thực hóa trên mảnh vườn của gia đình chị, đem lại nguồn thu nhập thường xuyên khoảng 500 nghìn đồng/ngày.
Còn gia đình anh Hồ Tú Nam ở thôn Sơn Bình 2, xã Kỳ Sơn xây dựng mô hình trang trại tổng hợp với quy mô 4ha. Với kiến thức được tiếp cận qua các lớp tập huấn, anh đã xây dựng chuồng trại, nuôi 20 con trâu, bò, 20 con đà điểu và 500 con gà, trồng 1,5ha chè và cỏ phục vụ chăn nuôi.
Gia đình chị Lê Thị Thanh Duyện, thôn Phúc Thành 2, xã Kỳ Thượng lại chọn hướng phát triển kinh tế bằng cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích vườn tạp sang trồng 600 gốc bưởi phúc trạch, cam Cao Phong, cam chanh Kỳ Thượng cùng với 7 sào chè và các loại rau màu. Bước đầu, bưởi cho thu hoạch trung bình 20 quả/cây, cam 50-70 quả/cây/vụ. Ngoài ra, gia đình chị thường xuyên nuôi khoảng 30 con lợn thịt, tổng cộng thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Là giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hùng Cường, ông Dương Đình Cường, ở thôn Tân Phong, xã Kỳ Phong đã xây dựng trang trại 14ha. Năm 2015, ông Cường vay vốn thành lập hợp tác xã với nguồn vốn ban đầu 02 tỷ đồng. Hiện nay, Hợp tác xã đang chăn nuôi 30 con bò, 150 con lợn rừng, 30 con dê, hàng trăm con gà, vịt, ngan, ngỗng các loại, ao cá 0,5ha ... Bên cạnh đó, Hợp tác xã còn ươm hàng chục vạn cây keo, các giống cây ăn quả; xây dựng kho xưởng, máy móc để thu mua, chế biến nông sản cho bà con trong vùng.
Có thể nói, phong trào xây dựng nông thôn mới đã đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của bà con nông dân, giúp họ đổi mới cách nghĩ, cách làm, sử dụng đồng vốn hiệu quả và vận dụng sáng tạo những tiến bộ mới vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Kỳ Anh.
Trần Mạnh Hải - Đài TT-TH huyện Kỳ Anh
http://hatinh.dcs.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn