Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn: Sở NN&PTNT cần có hoạch định chi tiết các sản phẩm, đảm bảo phù hợp mục tiêu xuyên suốt: luật pháp, môi trường, kinh tế gắn với sự phát triển bền vững.
Đề án nêu rõ, toàn tỉnh có 360.000 ha rừng và đất lâm nghiệp (chiếm 60% đất tự nhiên), phân bố trên 192 xã, được chia thành 3 loại: đất rừng đặc dụng (21%), đất rừng phòng hộ (31%) và đất rừng sản xuất (48%). Rừng Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng lợi thế về du lịch sinh thái, cung cấp sinh thủy dồi dào và phát triển kinh tế rừng gắn với sản phẩm hàng hóa chủ lực.
Ông Trần Bình Thân - Phó chủ tịch UBND Hương Sơn: Lâu nay, người trồng rừng rất khó khăn trong phát triển nguồn vốn, đề án cần bổ sung giải pháp nào để người dân tiếp cận được nguồn vốn.
Quy mô rừng trồng gỗ nguyên liệu khoảng 72.000 ha, chủ yếu là rừng keo gỗ nhỏ quảng canh (chiếm 93%). Giai đoạn 2012- 2016 chuyển gần 6.300 ha rừng và đất lâm nghiệp sang sản phẩm hàng hóa chủ lực đã nâng cao hiệu quả kinh tế cho đất rừng. Các lĩnh vực về dịch vụ du lịch, hoạt động chế biến phát triển với việc thu hút doanh nghiệp tham gia.
Tuy vậy, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, SX-KD lâm nghiệp vẫn tồn tại nhiều bất cập, chất lượng rừng tự nhiên suy giảm, tình trạng khai thác trái phép, tranh chấp còn diễn ra; năng suất, giá trị rừng trồng thấp; SX-KD của các hộ gia đình tự phát, không tuân theo quy hoạch; cơ sở hạ tầng lâm nghiệp yếu kém.
Ông Phạm Quốc Thanh - Phó Chủ tịch UBND Vũ Quang: Huyện đang mở rộng diện tích trồng cam theo đúng quy hoạch, thiết lập được Hiệp hội Trồng cam, góp phần tăng cao hiệu quả kinh tế.
Với quan điểm khai thác tiềm năng rừng, lâm nghiệp gắn với quy hoạch phát triển KT-XH, tuân thủ pháp luật, đảm bảo lợi ích KT-XH nhưng phải bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, đề án đặt ra mục tiêu: quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững 360.700 ha rừng và đất lâm nghiệp theo quy hoạch của 3 loại rừng; đưa tổng giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên đất lâm nghiệp đến năm 2025 đạt 7.500 tỷ đồng (tăng 4.500 tỷ đồng so với năm 2016); chế biến sâu, tiến tới sản xuất sản phẩm hoàn thiện; tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch… Theo đó, đề án đặt ra 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Ông Phan Thành Biển - Phó GĐ Sở KH&ĐT: Đề án cần bổ sung giải pháp phát triển, bảo vệ rừng phải gắn với biến đổi khí hậu
Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu cho rằng đề án cần bổ sung các giải pháp liên quan đến chính sách, tác động công nghệ, thị trường, phát triển rừng gắn với biến đổi khí hậu, có giải pháp để người trồng rừng tiếp cận được vốn vay…
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Công tác phát triển và bảo vệ rừng phải phù hợp với quy hoạch tổng thể KT-XH nhằm gắn kết tổng thể hài hòa giữa các quy hoạch trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, phát triển rừng phải bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn khẳng định công tác bảo vệ, phát triển rừng là chiến lược lâu dài, gắn với phát triển bền vững và môi trường sinh thái. Do đó, Sở NN&PTNT, tổ soạn thảo đề án cần rà soát tổng thể, đánh giá lại các mục tiêu đặt ra đến năm 2025. Đặc biệt, dựa trên thế mạnh, lợi thế để cân đối ưu tiên phát triển giữa các vùng, các địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng đề án vẫn đang nặng về sản xuất, thiếu giải pháp về định lượng thị trường, bảo quản sau thu hoạch, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm rừng, sản phẩm từ đất lâm nghiệp.
Bổ sung vào dự thảo đề án, Sở NN&PTNT cần có hoạch định chi tiết các sản phẩm, đảm bảo phù hợp mục tiêu xuyên suốt: luật pháp, môi trường, kinh tế gắn với sự phát triển bền vững.
Theo Nguyễn Oanh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn