Tôi đã từng đặt chân đến các địa danh ven biển Hà Tĩnh. ẤËn tượng nhất là mỗi lần rong ruổi qua những cánh rừng đung đưa theo gió mang hơi mặn của biển. Những thảm thực vật trải rộng làm cho bầu không khí thêm trong lành. Mùa đông tiết trời se lạnh mà vẫn cảm nhận được ý nghĩa của cây xanh đối với sự sống. Dạo bước giữa những rặng phi lao tươi tốt, đua nhau vươn lên từ nền cát trắng, thấy thiên nhiên gần gũi hơn với cuộc sống con người. Từ những bãi bồi đất cát ven đê Hội Thống (Nghi Xuân) hay dọc theo đường 19.5 qua Thạch Hải, Thạch Văn (Thạch Hà), màu xanh của bạt ngàn phi lao, đước, vẹt... làm dịu hẳn tầm mắt. Mặc cho nắng gió của mùa hè, giá lạnh của mùa đông, những cánh rừng vẫn tỏa cành, xanh lá. Nơi nào có nền đất rộng, bằng phẳng, được trồng theo hàng thẳng lối, trông thật đẹp mắt…
Những cánh rừng như thế đã gắn bó với cuộc sống của biết bao người dân vùng bãi ngang, xứ biển. Tôi đến thăm ông Hồ Phượng ở nơi cửa biển xóm Đông Châu, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà. Tuy đã thuộc lớp người “xưa nay hiếm”, nhưng ông Phượng vẫn nhớ rõ trận bão tố, triều cường năm 1989. Ven biển quê ông lúc đó còn trơ đất trắng nên thiên tai để lại hậu quả rất lớn. Nhà cửa của nhiều gia đình bị xiêu vẹo. Ruộng, vườn thì bị ngập nước lâu ngày. Ông Phượng trầm tư rồi nở nụ cười và đưa tôi ra “ngắm cảnh” vườn phi lao gần 3.000 cây, nối hàng bên nhau như thách thức với sóng to, gió lớn từ biển. Ông nói rằng nếu bán thì ít nhất cũng được vài ba chục triệu đồng. Tôi hỏi vì sao không bán thì ông đăm chiêu nhìn ra khơi xa, nói nhỏ nhẹ: “Nghĩ đến những trận cuồng phong từ biển ập vào năm xưa mới thấy tác dụng to lớn của vườn phi lao này chú ạ. Vào mùa hè chưa ai tìm thấy bóng mát thì mình đã được hưởng rồi. Đến mùa bão lụt thì đó là bức tường che chở vững chắc không gì thay thế được”. Ông Phượng còn đưa cả giống xà cừ từ đảo Phú Quốc về trồng thử nghiệm trên khu đất bên bờ biển mà gia đình sở hữu, gắn bó bao đời. Bước chân ra khỏi vườn phi lao của ông Phượng, tôi lại nhớ vào mùa bão lụt năm 2007, một số hộ dân ở xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân chẳng hiểu vì sao mà đốn mất khá nhiều rừng phòng hộ ven biển. Cách đây mấy năm là thế. Còn bây giờ khó nhận biết nơi nào rừng đã từng bị khai thác, bởi khắp nơi đã kín mít phi lao và keo. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Xuân Phổ Nguyễn Xuân Trực cho biết: sau “sự kiện” đó, chính quyền đã làm rõ và bà con đã hiểu ra. Rồi trên dưới đồng lòng, vừa trồng vừa siết chặt bảo vệ rừng. Nhờ vậy, trong số gần 100ha đất ven biển của địa phương, đến nay đã có hơn 95% được phủ kín rừng phi lao và keo. Với nhận thức của những người như ông Phượng, cách làm như xã Xuân Phổ mà độ che phủ của cây xanh ven biển tăng lên đáng kể. Những khu vực có điều kiện thuận lợi thì cơ bản nhân dân đã trồng hết diện tích. Riêng rừng sản xuất, nhiều nơi đã cho khai thác. Đất của các huyện ven biển đã có rừng phòng hộ và rừng sản xuất đạt gần 8.000ha. Những năm qua, Hà Tĩnh còn được Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, Đan Mạch và một số tổ chức khác đầu tư khá lớn cho dự án trồng rừng ngập mặn. Theo thời gian, mỗi năm lại có khá nhiều diện tích rừng được trồng mới. Cứ thế, dần dần tạo nên một vành đai xanh chắn sóng che gió, làm giảm thiệt hại mỗi khi có lụt bão, triều cường và nước biển xâm thực. Có rừng, nhiều loài động vật còn có chỗ trú ngụ nên chúng sinh sôi phát triển, nhất là các loài chim và bò sát.
Chi cục trưởng Chi cục lâm nghiệp Hà Tĩnh Hán Duy Anh cho biết: kết quả của việc trồng rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển… đã trông thấy, nhưng trồng các loại rừng ven biển ở Hà Tĩnh vẫn bộn bề khó khăn. Dự án 661 đã kết thúc, còn những dự án khác với mức đầu tư quy mô lớn để trồng rừng phòng hộ và rừng sản xuất ở khu vực này lại chưa có. Hiện diện tích rừng đã có, chủ yếu là bằng hình thức trồng cây phân tán, còn lại do bà con nhân dân tự trồng. Theo tính toán của ngành lâm nghiệp thì do tính đặc thù nên giá thành trồng một ha rừng trên diện tích đất cát ven biển có nơi cao gấp 8 - 10 lần so với khu vực miền núi. Ông Hán Duy Anh cũng cho biết: trở ngại nhất trong việc trồng rừng ở Hà Tĩnh hiện nay là khâu quy hoạch bởi các dự án phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản, quỹ đất dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng, phục vụ phát triển KT - XH ở một số địa bàn ven biển chưa tách bạch, cá biệt còn chồng lấn lên nhau. Trồng rừng ở một số nơi còn mang tính hình thức, đối phó. Việc giám sát, bảo vệ rừng có nơi làm chưa tốt. Hàng năm, một số diện tích rừng chưa đến tuổi khai thác vẫn bị chặt hạ… Lo nhất là diện tích rừng chất lượng kém và đất chưa có rừng ven biển còn khoảng 4.500ha. Đó là “khoảng trống” đang cần sớm được bổ sung cho vành đai xanh ven biển Hà Tĩnh.
Thiên tai đang ngày một diễn biến phức tạp. Khí hậu đang biến đổi từng ngày. Giải pháp hữu hiệu nhất là sớm khép kín đất trống khu vực ven biển để tạo nên bức tường bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân mỗi khi có biển động, sóng trào. Trồng được rừng và giữ được rừng còn có tác dụng lớn trong việc chống rửa trôi đất, cải thiện môi trường sinh thái, tăng tính đa dạng sinh học và có thêm nguồn nguyên liệu phục vụ các nhà máy băm dăm xuất khẩu, mang lại lợi ích kinh tế lớn. Nhưng thực tế, để thực hiện có hiệu quả không phải dễ. Nguồn vốn được đầu tư hợp lý thì phong trào trồng cây gây rừng trên diện tích đất trống, đồi trọc nói chung, vùng ven biển nói riêng sẽ nhanh chóng thu hẹp dần. Mỗi năm có thêm nhiều cây xanh được trồng, thêm những cánh rừng tươi tốt được bảo vệ chu đáo không chỉ có thêm nhiều lợi ích kinh tế mà còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái. Với Hà Tĩnh, có một vành đai xanh ven biển còn tạo thêm điều kiện cho ngành du lịch phát triển. Những bãi bồi, đất trống dọc theo bờ biển Hà Tĩnh đang chờ đợi được phủ kín một màu xanh của phi lao, của keo, của đước, của vẹt và nhiều loài cây thân thiện với môi trường, che chở cho cuộc sống con người.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn