Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu
Tại buổi thảo luận tổ, các đại biểu thống nhất cao sự cần thiết của việc ban hành Nghị quyết và sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng. Nội dung Nghị quyết cần cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội về xử lý nợ xấu, bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của tổ chức tín dụng, công ty quản lý tài sản; khắc phục các vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật.
Để nghị quyết đảm bảo tính pháp lý và chặt chẽ, đại biểu Nguyễn Văn Sơn đề nghị cần quy định cụ thể thời hiệu và "chốt" những khoản nợ xấu phát sinh từ trước đến ngày 31/12/2016 được áp dụng theo nghị quyết này để xử lý, nhằm tránh tình trạng lạm dụng cơ chế, chính sách và biến nghị quyết thành "chỗ dựa" cho các ngân hàng làm gia tăng thêm nợ xấu.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị xem lại Điều 6 về vấn đề tổ chức mua bán xử lý nợ xấu, trong đó quy định được mua bán khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng. Bởi tài sản ngoài bảng theo nguyên tắc kế toán vốn dĩ không phải là của ngân hàng, nếu như ngân hàng đưa ra mua bán thì đương nhiên tài sản này có thể là tài sản cầm cố thế chấp của khách hàng.
Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, Đại biểu Lê Anh Tuấn cho rằng ngoài các điều kiện tài chính ra thì một tổ chức có thể tiếp quản được một tổ chức tín dụng cần phải đáp ứng được một số tiêu chí khác.
Ngoài kiến nghị bổ sung các điều luật, trong buổi thảo luận tổ, các đại biểu cũng nhấn mạnh phải quy định cụ thể hàng năm việc Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình, kết quả xử lý nợ xấu để Quốc hội và cử tri giám sát, theo dõi.../.
Trần Vũ
http://www.hatinhtv.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn