Đồng chí Đặng Tịnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thương Lộc, huyện Can Lộc cho biết, thôn Anh Hùng xã Thượng Lộc có 143 hộ, trong đó có 120 hộ trồng cam. Diện tích và số gốc cam đã cho thu hoạch của gia đình bà Phan Thị Hiền không nhiều bằng một số gia đình khác trong thôn (hiện gia đình bà có hơn 2,5 ha diện tích đất trồng cam, trong đó có gần 450 gốc cam đã cho thu hoạch), nhưng bằng biện pháp thâm canh và kỹ thuật chăm sóc, cam của bà Hiền rất sai quả, chất lượng đảm bảo, nên số lượng và giá bán cao hơn, cho thu nhập cao hơn. Hiện nay cam của gia đình bà là một trong những hộ hàng đầu của xã về sản lượng và thu nhập.
Trao đổi với chúng tôi, bà Hiền cho biết, trồng cam thì dễ, nhưng để cam cho nhiều quả và độ ngọt cao thì khó, vì nó là cây "khó tính". Đòi hỏi người trồng cam phải biết kỹ thuật chăm sóc, bón phân bón đúng liều lượng, đủ chất, không thừa, không thiếu kể cả nước tưới, bón đúng thời điểm và phải biết cách phòng trừ dịch bệnh phù hợp. Gia đình bà sử dụng phân vi sinh, mua chế phẩm sinh học về ủ phân chuồng hoai mục để bón; sử dụng các loại thuốc sinh học, đảm bảo quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap nên đảm bảo an toàn. Đặc biệt là cây giống đóng yếu tố rất quan trọng. Cam cho sai quả, độ ngọt như thế nào và có bị xốp hay không, phần lớn là do cây giống quyết định. Bà cho biết, nguồn gốc cây giống vườn cam của gia đình từ cây giống của Dự án 327, cách đây hơn 11 năm. Lúc đó gia đình bà trồng khá nhiều cây, nhưng chỉ có một cây cho nhiều quả và độ ngọt cao, thế là gia đình bà chiết cành, nhân ra dần. Gia đình bà áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt, vừa tiết kiệm nước, vừa đảm bảo đủ độ ẩm, cây không bị thừa nước, ảnh hưởng đến chất lượng cam; kỹ thuật làm cho cây "tức" để cho nhiều quả, bằng cách tiện xung quanh thân cây, vào tháng 11 âm); chú trọng xử lý nấm, chống vi khuẩn nhiễm vào. Đồng thời treo long não xua đuổi côn trùng, đơm ruồi…. Đối với cây bị sâu bệnh, trường hợp không xử lý được phải bỏ tận gốc. Thường xuyên theo dõi thời tiết, những lúc dự đoán có sương muối (thường vào tháng 10-11 âm lịch) phải dậy phun nước lã từ 2-3 giờ sáng, nếu không quả sẽ bị rụng. Phun nhiều nước quá cũng không được. Bằng việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật, cam của gia đình bà Hiền năm nào cũng sai quả, có cây thu được 200 kg/vụ, dịp tết Nguyên đán vừa qua, có người từ Kỳ Anh ra đặt mua 1 cây trĩu quả với giá 10 triệu đồng về trang trí ngày tết. Hai năm gần đây, mỗi năm gia đình bà thu được hơn 30 tấn cam, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình bà thu được từ 700 - 800 triệu đồng từ cam. Hy vọng những kinh nghiệm trồng cam của bà Hiền sẽ được nhiều người phát huy.
Theo Minh Trí/hoinongdanhatinh.vn