P.V: Những thành quả của ngành Y tế trong những năm gần đây rất dễ dàng nhận thấy, rõ nhất là trong các cuộc tiếp xúc cử tri, vấn đề y tế không còn là nỗi bức xúc của người dân như trước đây. Vậy, bên cạnh niềm vui này, ông còn điều gì trăn trở?
Ông Lê Ngọc Châu: Trăn trở thì rất nhiều. Tuy nhiên, tập trung ở các vấn đề cần sự nỗ lực khắc phục và triển khai tốt hoạt động trong thời gian tới. Về công tác KCB, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cao, công nghệ mới để phát triển kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật mới, kỹ thuật theo phân tuyến… nhu cầu rất lớn và cấp bách nhưng nguồn vốn chưa đáp ứng. Chính sách đãi ngộ cán bộ y tế trình độ cao chưa đủ mạnh nên chưa thu hút được nhân tài, chuyên gia giỏi. Chất lượng hoạt động của hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình và hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức thu nhập trung bình còn thấp…
P.V: Vậy, mục tiêu và chương trình hành động của ngành Y tế Hà Tĩnh trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Ngọc Châu: Lâu nay, chúng ta đang tập trung hướng tới sự hài lòng của người bệnh, điều này rất cần thiết nhưng chỉ mới là một phần của nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Vì vậy, điều ngành Y đang hướng tới là sự hài lòng của người dân nói chung. Các hoạt động của ngành trong thời gian tới hướng tới mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân một cách toàn diện. Ngành đang chỉ đạo quyết liệt trên các lĩnh vực: y tế dự phòng, vệ sinh phòng bệnh, KCB, an toàn thực phẩm, chất lượng dân số, y tế cơ sở trong xây dựng nông thôn mới…
Công tác KCB đang chuyển sang giai đoạn mới theo lộ trình tự chủ, vì vậy, trong 5 năm tới, nguồn đầu tư công sẽ bị hạn chế. Ngành đang chỉ đạo quyết liệt về đề cao vai trò tự chủ của các bệnh viện trong việc thực hiện xã hội hóa huy động nguồn lực cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ các kỹ thuật cao, hiện đại. Đồng thời, đổi mới hình thức đào tạo nguồn nhân lực; mời chuyên gia “cầm tay chỉ việc”, chuyển giao tại chỗ; liên doanh, liên kết với các bệnh viện tuyến trên, triển khai mô hình bệnh viện vệ tinh (không giới hạn trong bệnh viện đa khoa tỉnh và đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ)… Bên cạnh đó, các bệnh viện tăng cường hỗ trợ lẫn nhau với tinh thần hợp tác cùng phát triển.
Triển khai đề án bệnh viện vệ tinh về tim mạch tại BVĐK tỉnh giúp người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao, không cần chuyển tuyến. |
Ngành cũng đã xác định và xây dựng một số đề án chuyên sâu, thuộc các lĩnh vực người dân có nhu cầu cao nhưng lâu nay phải chuyển tuyến ra trung ương như tim mạch can thiệp, xạ trị trong điều trị ung thư, nội tiết, ngoại nhi, ghép tạng…
Mặt khác, để tăng cường huy động nguồn lực phục vụ sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, ngành tăng cường hợp tác liên doanh, liên kết, đẩy mạnh hợp tác công - tư, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho cá nhân đầu tư phát triển bệnh viện tư, nâng cao số lượng và chất lượng các cơ sở KCB; bình đẳng trong thực hiện quản lý… để người dân có nhiều cơ hội lựa chọn và thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu trên, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Do đó, ngành đưa việc phát triển kỹ thuật vào bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và các đơn vị.
Ngành thực hiện công khai tất cả các hoạt động, cung cấp thông tin để người dân hiểu, chia sẻ và đồng hành. Đặc biệt, tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân bằng nhiều “kênh” như: thông qua các cơ sở KCB, các tổ chức hội, đoàn thể, tiếp xúc cử tri… Trên cơ sở đó, phân tích, đánh giá, phản hồi cho người dân và tiếp thu các ý kiến góp ý có trách nhiệm để bổ sung, hoàn thiện hơn chương trình hành động vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong những năm tiếp theo.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Thục Chi
http://baohatinh.vn/