Không ủi cào mặt bằng, công nhân chỉ cần rải xi măng bột...
Tuyến đường liên thôn Khánh Sơn, xã Sơn Lộc (thuộc gói thầu nâng cấp, sửa chữa hệ thống đường giao thông huyện Can Lộc đoạn từ xã Sơn Lộc đến cuối xã Yên Lộc có chiều dài 2.577m với tổng mức đầu tư xấp xỉ 4,4 tỷ đồng), được triển khai thi công vào ngày 14/7 vừa qua, do liên doanh Công ty CP Công nghệ bảo trì và Nâng cấp đường bộ Việt Nam và Công ty Thiết bị giao thông vận tải Vietraco đảm nhận.
Theo thiết kế, đoạn đường có chiều dài hơn 1,3 km, bề rộng mặt đường 5m với tổng số vốn đầu tư trên 2 tỷ đồng. Điều đáng nói là “chỉ trong 7 ngày thi công, dự án đã hoàn thành. Nếu tính mức giá thành theo biện pháp thi công truyền thống (đổ bê tông), thì rẻ hơn khoảng một nửa” - Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc Thân Văn Nam khẳng định.
Chứng kiến 6 máy móc chuyên dụng hiện đại đang thi công đoạn còn lại từ Bưu điện xã đến điểm cuối thôn Phong Sơn (Yên Lộc), Chủ tịch UBND xã Yên Lộc Dương Chí Sơn cho rằng: “Khác với thi công truyền thống là máy đào sâu, san ủi ghép khuôn rồi đổ xi măng khiến nhiều đoạn bị tắc nghẽn; ứng dụng công nghệ này vừa thuận lợi lại không gây ô nhiễm môi trường”.
Công nghệ gia cố tái sinh nguội tại chỗ là phương pháp thủ công sử dụng máy chuyên dùng do hãng Sakai (Nhật Bản) chế tạo thiết bị chuyên dùng có tính năng tiến hành đồng thời các chức năng: Phá vụn kết cấu mặt đường cũ theo chiều sâu và trộn đều với chất gia cố thành hỗn hợp vật liệu gia cố. Hỗn hợp được san phẳng và lu đầm chặt, tạo thành lớp vật liệu có tính năng bền vững, nâng cao cường độ kết cấu áo đường lớn hơn 2 lần so với phương án sửa chữa, nâng cấp truyền thống hoặc thay vật liệu mới. Công nghệ cào bóc tái sinh nguội thích hợp để cải tạo mặt đường bê tông nhựa cũ có lớp móng trộn bằng cấp phối đá dăm, cuội sỏi hoặc mặt đường cấp phối đá dăm cũ với chiều sâu tái sinh kết cấu áo đường cũ từ 10-30 cm.
Áp dụng công nghệ mới, tiến độ các công trình được rút ngắn, giá thành giảm so với thi công bê tông truyền thống.
Ưu điểm của công nghệ này là tiến hành đồng thời việc cào bóc, phay, trộn, rải lại và lu lèn bằng 1 tổ hợp xe máy liên hoàn nên thi công nhanh, chất lượng tốt và dễ kiểm soát chất lượng. Bên cạnh xử lý triệt để các vết nứt và biến dạng của lớp mặt đường cũ, công nghệ này thích hợp khi thi công trên đường đang khai thác, có khả năng cho phép thông xe trực tiếp trên bề mặt lớp đá tái chế sau 1-3 ngày. Một mặt tận dụng tối đa vật liệu cũ, tái chế lại nên ít phải sử dụng vật liệu bổ sung nên giá thành rẻ hơn một nửa so với làm mới và có thể giữ nguyên cao độ mặt đường cũ hoặc tôn tạo không đáng kể do chủ động điều tiết được vật liệu tận dụng, ít ảnh hưởng đến môi trường. Hơn nữa, không ảnh hưởng đến các công trình phụ trợ cũng như quy hoạch chung và các hộ dân sống hai bên đường.
Theo ông Trần Đình Hải – Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ bảo trì và Nâng cấp đường bộ Việt Nam: “Công nghệ này đã được áp dụng, triển khai tại Nhật Bản cách đây hàng chục năm và mới du nhập vào Việt Nam. Sau khi cân nhắc, xem xét, ngày 23/5/2016, Bộ Giao thông vận tải ra Quyết định số 1588 cho phép ứng dụng rộng rãi công nghệ cào bóc gia cố và tái sinh nguội tại chỗ”. Hiện tại, công nghệ này được nhiều địa phương áp dụng thi công. Theo lãnh đạo các xã, “công nghệ này có nhiều điểm ưu việt nên rất thuận lợi trong nâng cấp, làm mới các tuyến đường; đặc biệt là các tuyến đường đòi hỏi ít vốn, tiến độ nhanh trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới”.
Theo: Nhật Minh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn