Bám sát tinh thần Nghị quyết 29 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI), Nghị quyết 05 và Nghị quyết số 20 của BCH Đảng bộ tỉnh, đề án chính sách phát triển giáo dục đào tạo tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo hướng tới mục tiêu phát triển giáo dục mầm non và phổ thông Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp để nghe ý kiến về đề án chính sách phát triển giáo dục đào tạo tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo. |
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, sắp xếp tổ chức lại hệ thống giáo dục gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập; tăng cường tính tự chủ; xây dựng đội ngũ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Đề án cũng đặt ra 2 giai đoạn thực hiện ,với các mục tiêu cụ thể như. Giai đoạn thứ nhất, từ năm 2018 đến năm 2021, phấn đấu toàn tỉnh có 98% trẻ được huy động vào mẫu giáo; 35% được huy động vào nhà trẻ; 90% trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia. 100% trường học có đủ giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới.
Phấn đấu nằm trong tốp 20 tỉnh, thành có kết quả cao về thi THPT quốc gia. Giảm 10% trường mầm non và phổ thông công lập. Giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Giai đoạn thứ 2, từ năm 2021 đến năm 2025: Phấn đấu tỷ lệ trẻ vào mẫu giáo đạt 98,5%, nhà trẻ 40%. 100% trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Tiếp tục giảm 10% trường mầm non và phổ thông công lập so với năm 2021. Giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.
Trên cơ sở đó, đề án đặt ra 2 nhóm giải pháp lớn. Một là sắp xếp, tổ chức lại các trường mầm non và phổ thông; chuyển đổi các trường học sang cơ chế tự chủ; hai là xây dựng các điều kiện đảm bảo, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Các ý kiến phát biểu tại cuộc họp đều thống nhất cho rằng, trước yêu cầu của lĩnh vực giáo dục mầm non và phổ thông như hiện nay, việc xây dựng đề án chính sách phát triển giáo dục đào tạo tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo là hết sức cần thiết.
Các ý kiến cũng đề xuất một số giải pháp thực hiện như: Cần kế thừa những kết quả đạt được và khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn hoạt động của các trường mầm non và phổ thông thời gian qua. Nghiên cứu kỹ về các điều kiện, khả năng, đặc biệt là các yếu tố vùng miền, tập quán, khoảng cách để việc triển khai sắp xếp lại các trường học không làm xáo trộn và làm giảm hiệu quả việc dạy và học.
Cần tính toán cụ thể trong cân đối thu chi, đảm bảo nhu cầu và yếu tố công bằng trong việc học tập của người dân, đặc biệt là tại khối các trường tư thục. Chú trọng phương án giải quyết dôi dư đối với các giáo viên sau khi sắp xếp lại các trường học. Việc sáp nhập các trường học cần có lộ trình, làm từ dễ đến khó để có những bước đi vững chắc.
Tiến Thành/http://www.hatinhtv.vn