Nguồn lực mạnh, tốc độ nhanh
Mục tiêu xây dựng NTM được Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm công bố tại lễ phát động là: Trong năm 2012, Xuân Nộn sẽ là xã điểm đầu tiên trên tổng số 24 xã/thị trấn của Đông Anh đạt chuẩn NTM. Năm 2015, trên 50% số xã đạt chuẩn NTM và đến 2020 sẽ hoàn thành chỉ tiêu 100% số xã đạt chuẩn. Như vậy, so với mục tiêu của toàn quốc (đến năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn) và Hà Nội (25% số xã đạt chuẩn đến 2015) thì Đông Anh đặt ra mục tiêu cao hơn gấp đôi.
Theo báo cáo của UBND huyện Đông Anh, hiện nay, so với 19 tiêu chí NTM, huyện đã đạt được các chỉ tiêu về: Điện, bưu điện, giáo dục, y tế, nhà ở dân cư, hình thức tổ chức sản xuất và tiêu chí hộ nghèo. Tuy nhiên, Đông Anh vẫn còn chưa đạt nhiều tiêu chí quan trọng như: Quy hoạch, giao thông, thuỷ lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, chợ nông thôn, cơ cấu lao động, văn hoá, môi trường.
Bí thư Huyện uỷ Đông Anh Nguyễn Văn Quang nhấn mạnh, Đông Anh có nhiều lợi thế để đẩy mạnh phong trào NTM, trong đó đặc biệt là nguồn lực từ quá trình đô thị hoá. Bên cạnh nguồn lực chính của người dân, huyện sẽ huy động nguồn kinh phí từ việc lập dự án, đấu giá đất để lấy kinh phí xây dựng NTM. Đông đảo các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn là một nguồn lực lớn cho chương trình này.
Theo báo cáo của UBND huyện Đông Anh, dù gặp nhiều khó khăn, song năm 2011, tốc độ tăng trưởng của Đông Anh vẫn tăng 10,5% so với năm 2010. Trong đó, các giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội được triển khai tốt. Huyện tổ chức quyên góp 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ cho 4.000 đối tượng khó khăn; hỗ trợ trên 600 triệu đồng để sửa chữa 27 nhà hư hỏng nặng cho hộ nghèo; trong năm 2011 giảm 770 hộ nghèo, mở 12 lớp dạy nghề cho 386 lao động.
Lối đi riêng nào cho tam nông?
Đối với Đông Anh, việc đô thị hoá, thu hẹp sản xuất nông nghiệp là khó tránh khỏi. Trong định hướng xây dựng NTM của huyện cũng nêu rõ sẽ chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp - thương mại và dịch vụ - nông nghiệp. Thực tế năm 2011 vừa qua cho thấy, dù chú trọng đến nông nghiệp, nhưng tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản toàn huyện chỉ đạt gần 535 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng ở mức 3,1%.
Tại lễ phát động có 20 doanh nghiệp ủng hộ đợt 1 cho chương trình này; trong đó có những doanh nghiệp cam kết ủng hộ hàng chục tỷ đồng như: Công ty Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh ủng hộ xây dựng trung tâm mầm non tại xã Thụy Lâm với kinh phí 50 tỷ đồng, Công ty Noble ủng hộ 1 triệu USD (hơn 20 tỷ đồng) để xây dựng đường giao thông, Tổng Công ty Dầu khí đầu tư 2,5 tỷ đồng xây dựng nhà văn hoá…
Ông Nguyễn Văn Vụ - Chủ tịch UBND xã Xuân Nộn, xã điểm về NTM của Đông Anh cho biết, khó khăn lớn nhất của xã hiện nay là tiêu chí về thu nhập của nông dân. Hiện thu nhập bình quân đầu người của toàn xã là 16,4 triệu đồng/người/năm; trong khi đó mục tiêu đặt ra cho năm 2012 là 24 triệu đồng/người/năm. Để đạt mục tiêu này, ông Vụ cho biết phải chấp nhận việc chuyển dịch kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp. Riêng phát triển nông nghiệp chỉ tập trung vào những cây, con “đặc sản” và hiệu quả kinh tế cao như: Nếp cái hoa vàng, cây cảnh và nuôi trồng thuỷ sản.
Tuy nhiên, thực tế nhiều nông dân vẫn mong muốn sản xuất và làm giàu từ nông nghiệp, vì đây là lĩnh vực có nhiều thế mạnh ở Đông Anh.
Vì vậy, việc giải quyết mối quan hệ giữa phát triển đô thị với nông thôn, giữa công nghiệp, thương mại dịch vụ với nông nghiệp, giữa văn hoá hiện đại và truyền thống… là một bài toán đang đặt ra với Đông Anh.
Nguồn : Báo Dân Việt
Sưu tầm : Nguyễn Minh Tiến
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn