Lên án hành vi, công khai cơ sở vi phạm ATVSTP để người dân nắm rõ
Từ đầu năm đến nay, hoạt động thanh tra, kiểm tra ATVSTP đã được các cấp, ngành, địa phương triển khai thường xuyên, góp phần ngăn ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm và nâng cao ý thức chấp hành các quy định về ATTP của người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.
Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu báo cáo kết quả công tác ATVSTP các tháng đầu năm
Các đoàn đã thanh tra, kiểm tra 8.086 lượt cơ sở, phát hiện 1.648 lượt cơ sở vi phạm (chiếm tỷ lệ 20%); tiến hành xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở với số tiền trên 2,42 tỷ đồng; tiêu hủy 12.225,4 kg thực phẩm quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hư hỏng.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nào, nhưng số ca bị lẻ tẻ là 617 ca.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Đức Nhân: Nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được xây dựng nhưng tỷ lệ gia súc đưa vào các cơ sở giết mổ tập trung chưa cao, có chiều hướng giảm xuống. Tình trạng giết mổ nhỏ lẻ tự phát xảy ra nhiều; giết mổ tại gia đình vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương
Toàn tỉnh đã cấp 799 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, 1.686 giấy xác nhận kiến thức ATTP cho người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, 7 giấy xác nhận công bố phù hợp, 13 giấy tiếp nhận công bố quy định ATTP cho các sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh Nguyễn Cự Dũng: Việc quản lý thị trường sản xuất rượu truyền thống còn khó khăn. Số hộ sản xuất, kinh doanh rượu thủ công quy mô nhỏ lẻ, tự phát nằm rải rác trong dân; người dân thiếu kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực này
Tuy nhiên, công tác đảm bảo ATVSTP vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Vẫn còn tình trạng buôn bán, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn. Việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn còn gặp nhiều khó khăn từ việc hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn (theo tiêu chuẩn VietGAP) đến việc hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm; nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung được xây dựng nhưng tỷ lệ gia súc đưa vào giết mổ chưa cao.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh Lương Quốc Tuấn: Thành phố Hà Tĩnh sẽ ban hành chỉ thị về vấn đề này để chỉ đạo cấp ủy, chính quyền vào cuộc; tăng cường trách nhiệm của phường, xã
Bên cạnh đó, công tác quản lý rượu sản xuất truyền thống còn khó khăn; công tác kiểm nghiệm chưa đáp ứng được yêu cầu. Ý thức, nhận thức của người dân trong việc sử dụng chất cấm, chất kháng sinh chưa cao làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm…
Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Phan Duy Vĩnh: Hiện xử lý các sản phẩm vi phạm ATVSTP rất khó khăn. Đề nghị tỉnh cho quy hoạch khu xử lý các sản phẩm thực phẩm không đảm bảo ATVSTP gắn với xử lý nước thải
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh nhấn mạnh, các hoạt động đảm bảo ATVSTP vẫn còn rất nhiều khó khăn, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu. Về hoạt động BCĐ, trên quyết liệt nhưng xuống cơ sở hoạt động càng mờ nhạt, trong khi việc kiểm soát chất lượng ATVSTP chủ yếu ở cơ sở.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, những tháng cuối năm 2017, nhiệm vụ kiểm soát ATVSTP rất nặng nề, đề nghị các ngành chức năng theo kế hoạch UBND tỉnh đã ban hành và các chỉ thị, kế hoạch hành động, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ về ATTP để tập trung triển khai thực hiện.
Tiếp tục kiện toàn BCĐ, đặc biệt là BCĐ các xã, phường, do chủ tịch UBND xã, phường làm trưởng ban; đẩy mạnh truyền thông, lên án các hành vi vi phạm về ATVSTP, công khai các địa chỉ vi phạm để người dân biết; quyết liệt trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng chỉ đạo các chi cục trực thuộc tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm và công bố kết quả về mức độ ATVSTP để người dân được biết.
Biện Nhung
http://baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn