Hồng Tân - tuyến kênh chính dẫn nước về trạm bơm của các xã hàng chục năm nay chưa bao giờ cạn nước nay đã trơ sỏi đá. Nhiều ngày trôi qua, người nông dân các xã An Lộc, Tân Lộc, Thịnh Lộc tìm mọi cách để lấy nước cho đồng ruộng, hết chắt chiu ở ao hồ, đầm vũng, lại động viên nhau ra quân nạo vét làm thoáng lòng kênh nhưng cũng chẳng cải thiện được. Để cứu lúa, huyện buộc phải mở cống hồ Khe Hao phục vụ nước gieo cấy cho 30 ha vùng hạ lưu thuộc xã Thịnh Lộc. Ông Trần Văn Dũng (xã Tân Lộc) cho biết: “Chúng tôi phải đắp bờ tạm ngăn nước trên lòng kênh để tập trung nước về một vùng rồi dùng máy bơm dã chiến về đồng ruộng. Tuy nhiên, muốn bơm được vào ruộng thì phải chờ cả ngày để nước chảy về, vài tiếng là kênh lại cạn khô, chẳng thấm tháp gì”.
Tuyến kênh Hồng Tân trơ đáy |
Cánh đồng Bình Lộc héo hắt, tưởng chừng như có thể bốc cháy bất cứ lúc nào. Mới 8h sáng, nắng đã gay gắt, gió tây nam rát nóng làm cho tuyến kênh Nam Hà vốn đã cạn nay lại khô như rang. Chẳng có một giọt nước, hai trạm bơm đành bất lực chờ... trời. Ông Lê Xuân Hiền - Bí thư Đảng ủy xã Bình Lộc cho biết: “Ngay sau khi kết thúc vụ xuân, bà con bắt tay ngay vào vụ hè thu. Trước hết là ra quân làm thủy lợi nội đồng, riêng tuyến kênh này đã vét tới đáy rồi mà chẳng có chút nước nào về ruộng. Bây giờ, mạ bắc đã gần quá ngày rồi mà không thể xuống cấy, thậm chí, nhiều diện tích không thể cày đất. Với đà này, chắc chắn vụ hè thu sẽ khó hoàn thành kế hoạch”. Tình cảnh này cũng chẳng được cải thiện hơn ở trạm bơm Quang Trung. Dẫu đã tăng bo máy bơm dã chiến, tận dụng triệt để nước mặt hiện có, nhưng dường như mọi nỗ lực của chính quyền địa phương và bà con nông dân vùng hạn Lộc Hà cũng không cải thiện được tình hình.
Trạm bơm Quang Trung dù được nạo vét bùn đất nhưng cũng chẳng có nước. |
Đến thời điểm này, toàn huyện Lộc Hà đã bắc 72 ha mạ (đạt 72% diện tích cấy) và 75 ha lúa gieo. Điều đáng nói là tiến độ này đang gần như “đóng băng”, có ít nhất 1.000/1.650 ha sản xuất vụ hè thu chưa thể gieo cấy vì thiếu nước. Nguồn nước phục vụ sản xuất của huyện chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống sông Nghèn, qua kênh Hồng Tân, nước sẽ được chuyển về trạm bơm của các xã đổ xuống đồng ruộng. Những ngày qua, mực nước sông Nghèn xuống thấp, cống Cầu Trù và Đò Điệm “tụt dốc” chỉ còn lại 0,03m (mực nước phải đạt từ 0,38-0,7m thì mới có thể đủ để các trạm bơm hoạt động).
Ông Phan Thanh Nhàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cho biết: “Toàn huyện có 31 trạm bơm thì đến thời điểm này, 12 trạm đã bị “treo”. Trong vài ngày tới, nếu không có mưa thì tất cả các trạm bơm đều ngừng hoạt động. Trong khi đó, mực nước từ hồ Khe Hao và Đồng Hố xuống thấp, khả năng thiếu nước tưới cho toàn bộ diện tích lúa hè thu sẽ xảy ra. Chúng tôi đang điều tiết nước từ hồ Khe Hao cho một số vùng để kịp gieo cấy nhưng cũng phải hết sức tiết kiệm, không thể kéo dài ngày để dành nước cho sinh hoạt và tưới dưỡng lúa ở thời kỳ sinh trưởng. Đây là năm hạn hán gay gắt nhất ở Lộc Hà trong vòng 10 năm nay”.
Người dân đắp giữ nước rớt trên tuyến kênh Hồng Tân |
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện thì phương án tối ưu nhất hiện nay là chỉ đạo, tuyên truyền người dân đắp bờ giữ nước tại ruộng, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; tích cực nạo vét các tuyến kênh dẫn, trạm bơm, sửa chữa kênh mương nội đồng. Huy động 120 máy bơm lưu động để tận dụng mọi nguồn nước hiện có. Đồng thời, phối hợp với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh xây dựng phương án tưới và điều tiết nước hợp lý, ưu tiên vùng xa, vùng hạn.
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, nắng nóng vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Các đợt nắng nóng kỷ lục dự kiến sẽ tập trung vào các tỉnh miền Trung vào tháng 6. Thời vụ gieo cấy sắp khép lại, nếu không giải quyết được nước tưới thì khả năng bỏ hoang ruộng hè thu ở Lộc Hà là khó tránh khỏi.
Nguyễn Oanh - Thúy Ngọc
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn