Thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh và các địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện. Trong đó, năm 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo quy hoạch (điều chỉnh năm 2014), dự báo nhu cầu vật liệu trên địa bàn đến năm 2020 là 900 triệu viên gạch. Đến năm 2020, đầu tư xây dựng 17 dây chuyền sản xuất bê tông cốt liệu, công suất 12-20 triệu viên/năm tại các huyện; tiếp tục đầu tư chuyển đổi từ sản xuất gạch nung sang gạch xây không nung và mở rộng các cơ sở sản xuất; phấn đấu đến năm 2020, tổng công suất đạt 450 triệu viên quy tiêu chuẩn.
Ông Trần Xuân Thạch - Phó Trưởng phòng Quản lý hoạt động xây dựng cho hay, thời gian qua, Hà Tĩnh đã tập trung thúc đẩy phát triển vật liệu xây không nung, chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công; dành nhiều cơ chế ưu đãi, khuyến khích sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung. Hiện tại, toàn tỉnh có 12 nhà máy sản xuất vật liệu không nung đang hoạt động, với tổng công suất đạt khoảng 350 triệu viên/năm và đang đầu tư xây dựng 4 nhà máy khác. Công suất hiện đáp ứng 100% nhu cầu về vật liệu không nung trên địa bàn, vượt lộ trình Chính phủ quy định. Hiện, đã có những nhà máy được đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại nhất, tiêu chuẩn châu Âu để sản xuất vật liệu xanh.
Một công trình được xây dựng bằng vật liệu không nung.
Ngoài đẩy mạnh sản xuất gạch xây không nung bằng chất liệu bê tông xi măng cốt liệu bột đá, một số doanh nghiệp trên địa bàn còn nghiên cứu tận dụng tro, xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng để sản xuất vật liệu xây không nung, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.
Ông Lã Thái Hải - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Trần Châu (Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên), chia sẻ: Với mục tiêu kiến tạo nên những công trình “kiến trúc xanh”, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu đã quyết định đầu tư hơn 267 tỷ đồng lắp đặt công nghệ, dây chuyền sản xuất VLXD, đón đầu xu hướng xây dựng hiện đại. Riêng về gạch xây dựng, công ty đã lắp đặt dây chuyền sản xuất gạch không nung Harex Gold 900 (Hàn Quốc), tự động hoàn toàn, hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. Công suất quy đổi theo viên gạch tiêu chuẩn của nhà máy là 110 triệu viên/năm. Thời điểm hiện tại, công ty đang sản đang xuất theo đơn đặt hàng, trung bình khoảng 1,5 - 2 triệu viên/tháng. Gạch không nung có giá thấp hơn gạch nung trong khi chất lượng cao hơn hẳn cả về độ bền, cách âm, cách nhiệt… nên nhận thức của người dân về gạch không nung đang ngày càng thay đổi, đây là tín hiệu khả quan cho doanh nghiệp sản xuất.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hậu Thành cho biết, phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét phù hợp với xu thế phát triển ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp VLXD nói riêng, góp phần đảm bảo, giảm thiểu khí phát thải nhà kính và ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nhiên liệu than và mang lại hiệu quả về kinh tế. Hiện, Hà Tĩnh đã có những nhà máy được đầu tư dây chuyền sản xuất vật liệu xây không nung hiện đại nhất Việt Nam. Việc người dân và các đơn vị xây dựng đã dần quen sử dụng vật liệu xây không nung là tín hiệu mừng và cơ sở để Hà Tĩnh hoàn thành thay thế VLXD theo lộ trình mà Chính phủ giao”.
Dương Chiến
baohatinh.vn