Chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên - Nguyễn Hữu Minh cho biết: “Ngao có hiện tượng chết bắt đầu từ ngày 20/2 (tức mùng 2 tết) tại xã Cẩm Lĩnh và thị trấn Thiên Cầm. Chỉ mấy ngày sau đó, ngao của 21 hộ nuôi chết hàng loạt với tỷ lệ lên tới 90%. Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích nuôi ngao của huyện (38,6 ha) đều trong tình trạng chết hàng loạt, tỷ lệ sống còn chỉ khoảng 5-7%”.
Chỉ trong mấy ngày, hàng chục héc-ta ngao tại vùng nuôi Cẩm Lĩnh, thị trấn Thiên Cầm tan theo bọt nước |
Nỗi buồn trĩu nặng trên khuôn mặt những người dân. Họ bất lực nhìn thành quả lao động sau gần 1 năm bỗng chốc trôi theo con nước. Nhìn bãi ngao hoang vắng sau khi thủy triều rút, anh Trần Đức Dũng (thôn Tân Phú - thị trấn Thiên Cầm) không nén nổi tiếng thở dài: “Xót của lắm các cô chú ạ. Cả năm chờ đợi, nay đến thời vụ thu hoạch bỗng dưng mất hết. Hôm 30 tết (18/2), tôi đi kiểm tra thấy ngao vẫn còn rất đẹp, dự kiến ra tết sẽ thu hoạch đón đầu mùa du lịch. Thế nhưng, chỉ sau 1 ngày, tôi bỗng thành tay trắng. Từ hôm ra tết đến nay, trung bình mỗi ngày, tôi mất khoảng 3 triệu đồng thuê nhân công nhặt vỏ. Tiền cũng đã cạn kiệt nên dù vỏ nhặt chưa xong nhưng cũng đành tạm thời dừng lại”.
Với 7,5 ha ngao, trong đó có 6 ha ngao thịt và 1,5 ha ngao giống, anh Dũng dự kiến thu hoạch khoảng 2 tỷ đồng, một phần để trả bớt nợ ngân hàng, phần còn lại dành đầu tư vụ tiếp theo.
Anh Bùi Quang Tường (xóm Tiến Sầm) cũng ngậm ngùi tiếc nuối: “Trong tết, dù được giá nhưng vì muốn có thêm nguồn thu nên để dành ra tết. Đùng một cái, ngao chết trắng bãi, chẳng kịp dọn xác. Cả 3 ha chẳng thu hoạch được đồng nào, ước tính thiệt hại khoảng 700 triệu đồng”.
Tình trạng ngao chết hàng loạt không xảy ra cục bộ ở một vài hộ nuôi mà lan ra diện rộng, từ Thiên Cầm đến Cẩm Lĩnh, sang Kỳ Hà, Kỳ Ninh (Kỳ Anh). Hôm chúng tôi đến, xác ngao đã được hộ nuôi nhặt bỏ bớt, dẫu vậy, mùi ngai ngái, tanh nồng vẫn sộc lên làm ô nhiễm không khí cả một vùng.
Anh Thái Văn Phương (thôn 1 - Cẩm Lĩnh) cho biết: “Trước nay, thỉnh thoảng ngao vẫn chết do thời tiết giao mùa hoặc bị sương muối nhưng chết trắng thế này rất hiếm khi xảy ra, trừ khi dịch bệnh. Hiện tại, mỗi ngày tôi còn phải thuê 8 nhân công (mỗi công 300.000 đồng) để nhặt vỏ. Với tình trạng này, phải sau 1 năm, tôi mới dám thả giống trở lại”.
Không những mất trắng, người nuôi ngao còn tốn thêm một khoản thuê nhân công nhặt vỏ. |
Chi cục Thú y tỉnh tiến hành giải phẫu các mẫu ngao sống cho thấy, thịt ngao có màu trắng nhạt, ruột rỗng. Theo đó, cơ quan chức năng cũng xác định nguyên nhân ngao chết hàng loạt là do nguồn giống nhập về không có hồ sơ kiểm dịch, chủ yếu là lấy giống tự do. Trong khi đó, mật độ nuôi của người dân quá dày (gấp đôi so với quy định) nên hàm lượng ô xy hòa tan không đủ cung cấp cho nhu cầu phát triển tối ưu của ngao, làm cho ngao gầy yếu. Mặt khác, môi trường thủy triều bất lợi cũng có thể gây sốc cho ngao; bên cạnh đó, những vùng ngao chết nếu không thu lượm kịp thời cũng làm tăng mức độ nhiễm bẩn cho các bãi nuôi. Tuy nhiên, theo người dân địa phương thì vào ngày 19-20/2 (tức mùng 1-2 tết), tại bãi nuôi của hai xã này khi thủy triều lên nước có màu đỏ đục và mùi lạ.
Chiều 4/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đã đi kiểm tra thực địa tại các vùng nuôi ngao thuộc xã Kỳ Hà (Kỳ Anh), Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên). Trước thực trạng ngao chết hàng loạt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT nhanh chóng phối hợp với cơ quan trung ương lấy mẫu xét nghiệm, phân tích để sớm tìm ra nguyên nhân; đồng thời, cử cơ quan chuyên môn quan trắc môi trường, từ đó có hướng dẫn, khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật giúp bà con thả nuôi bền vững. |
Ngọc - Oanh - Long
Nguồn: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn