Được sự tiếp sức từ chính sách hỗ trợ lãi suất, năm 2015, gia đình bà Võ Thị Hằng xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân đã thành lập HTX chăn nuôi tổng hợp. Sau 3 năm đi vào hoạt động, với quy mô trên 5000 con gà thịt, hàng trăm con vịt, ngan, 100 con bò và 4000 mét vuông mặt nước nuôi cá, mỗi năm Hợp tác xã cho thu nhập trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 15 lao động địa phương.
Mô hình chăn nuôi bò của HTX chăn nuôi tổng hợ Xuân Lĩnh |
"Năm 2018, với kinh nghiệm của mình và quay vòng đồng vốn tốt thì năm nay chúng tôi có lợi nhuận trên 1 tỷ đồng". Bà Võ Thị Hằng - Giám đốc HTX chăn nuôi tổng hợp Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân cho biết.
Đây là 1 trong số nhiều mô hình kinh tế hiệu quả của Hà Tĩnh được hưởng lợi từ Nghị quyết 26 của BCH Trung ương Đảng. Nghị quyết ra đời cùng đề án tái cơ cấu nông nghiệp Hà Tĩnh đã từng bước hình thành 3 vùng sinh thái gắn với sản phẩm chủ lực của từng địa phương.
Đặc biệt, Nghị quyết đã thay đổi tư duy của người nông dân, không còn đầu tư nhỏ lẻ, manh mún như trước đây, mà bắt tay với doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết.
Theo đó, sau 10 năm, tỉnh ta đã phát triển mới hơn 229 vùng chăn nuôi tập trung; hình thành được 41 vùng rau truyền thống theo hướng Vietgap; hàng ngàn mô hình kinh tế trên các lĩnh vực theo chuỗi liên kết trong nông nghiệp đưa lại giá trị khá cao.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết “tam nông”, tỉnh ta đã ban hành 14 cơ chế, chính sách vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính đột phá, tác động lớn tới nông nghiệp, nông thôn.
Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ lãi suất đã tạo động lực để người dân đầu tư sản xuất kinh doanh, hình thành các hình thức sản xuất vừa tập trung vừa phân tán, nâng cao giá trị sản phẩm. Nông nghiệp ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững nền kinh tế, xã hội tỉnh nhà.
Hà Vân/http://hatinhtv.vn