Hà Tĩnh có truyền thống hiếu học, học giỏi, yêu nước, sống nhân văn, sáng tạo và chịu khó lao động. Liên tục trong nhiều năm gần đây, GD&ĐT Hà Tĩnh đạt thành tích cao, tạo tiền đề quan trọng về học vấn phổ thông, nhân cách, lý tưởng sống; thanh niên được tham gia các lớp đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng hội nhập thị trường lao động trong nước, khu vực và quốc tế. Hà Tĩnh luôn có tỷ lệ học sinh trúng tuyển đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) cao, chiếm 31,4% học sinh tốt nghiệp THPT (cao hơn bình quân chung cả nước hơn 11%).
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm Trường Đại học Hà Tĩnh |
Hà Tĩnh hiện có 853.247 người trong độ tuổi lao động, trong đó lực lượng lao động trẻ (từ 15-40 tuổi) chiếm trên 65%. Số lao động tham gia hoạt động kinh tế 687.854 người, trong đó lực lượng lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 55,4%; công nghiệp - xây dựng 16,42%; thương mại - dịch vụ 28,18%. Hàng năm, bổ sung vào nguồn nhân lực của tỉnh từ 12 - 14 nghìn lao động. Đây là nguồn nhân lực quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh. Cơ cấu “dân số vàng” của Hà Tĩnh khi chuẩn bị cho hành trang bước vào một thời kỳ phát triển cao là một lợi thế không nhỏ.
Bình quân hàng năm Hà Tĩnh có trên 7.000 người tốt nghiệp ĐH tại các trường trong cả nước, 4.500 người tốt nghiệp CĐ, trung cấp chuyên nghiệp và từ 3.000 – 3.200 người tốt nghiệp CĐ nghề, trung cấp nghề. Học sinh Hà Tĩnh theo học nhiều ngành nghề khác nhau, từ bách khoa, xây dựng, kiến trúc, kinh tế, thương mại, ngân hàng, tài chính, đến khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ thông tin, viễn thông, tự động hóa.... Đây là những ngành nghề phù hợp với nhu cầu tuyển dụng lao động của các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn.
Đặc biệt, Hà Tĩnh có khoảng 45 nghìn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và trên 100 ngàn công nhân lành nghề đang làm việc tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và các thành phố lớn khác trong cả nước. Số lao động này đã làm việc nhiều năm, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, tác phong làm việc nghiêm túc. Đa số con em Hà Tĩnh mong muốn trở về làm việc và cống hiến cho quê hương. Môi trường phát triển thuận lợi của Hà Tĩnh trong thời gian tới sẽ là điều kiện phát huy hết khả năng của họ phục vụ quê hương, đất nước và đây thực sự là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trường Cao đẳng Nghề Việt - Đức, một trong những địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật có uy tín và chất lượng |
Công tác đào tạo nhân lực kỹ thuật cũng được Hà Tĩnh chú trọng. Trong những năm qua, việc đào tạo nghề, trong đó trình độ CĐ và trung cấp nghề được ưu tiên hàng đầu. Hà Tĩnh hiện có 1 trường ĐH, 2 trường CĐ chuyên nghiệp, 3 trường CĐ nghề, 5 trường trung cấp nghề và 28 trung tâm dạy nghề, đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho lao động trong và ngoài tỉnh. Những ngành nghề được ưu tiên hàng đầu như cơ khí hàn, gò, điện dân dụng, điện công nghiệp, may dân dụng, may công nghiệp, kỹ thuật lái máy công trình, tin học, kế toán và các nghề dịch vụ cao cấp trong các ngành tài chính, ngân hàng, du lịch, bán hàng...
Ông Nguyễn Văn Sơn -Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định: Sự dồi dào của lực lượng này thực sự đang tạo ra cơ hội “vàng” cho sự phát triển của tỉnh. Một khi lực lượng này được tận dụng tối đa trí tuệ, sức lao động vào sản xuất, điều tất yếu sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, tạo ra giá trị tích lũy lớn cho tương lai của đất nước, đảm bảo an sinh xã hội. Cùng với những lợi thế khác như giá nhân công rẻ; người Hà Tĩnh thông minh, sáng tạo, cần cù chịu khó, tin chắc rằng lao động Hà Tĩnh sẽ “thắng thế trên sân nhà” khi các khu công nghiệp trong tỉnh bước vào giai đoạn phát triển mạnh.
QUANG LINH
baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn