Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng cùng lãnh đạo một số sở ngành liên quan tiếp, làm việc với đoàn.
Đặt vấn đề tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn khẳng định, vấn đề khai thác mỏ sắt Thạch Khê được người dân Hà Tĩnh cũng như cả nước rất quan tâm. Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều cuộc họp để phân tích, đánh giá và còn nhiều băn khoăn, quan ngại về tính khả thi, đặc biệt là vấn đề tác động đến môi trường, xã hội của dự án. Vì vậy, tháng 12/2016, Hà Tĩnh đã có văn bản gửi Chính phủ đề nghị tạm dừng dự án.
“Hà Tĩnh mong muốn VUSTA giúp khảo sát, nghiên cứu và tư vấn phản biện Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê để có tiếng nói khách quan, khoa học, đảm bảo phát triển bền vững, lâu dài cho địa phương cũng như quốc gia”, - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, các nhà khoa học đã chất vấn, đề nghị chủ đầu tư làm rõ những tác động nếu khai thác mỏ sắt Thạch Khê như: công nghệ, kỹ thuật, thiết bị khai thác, năng lực tài chính, hiệu quả kinh tế dự án, đặc biệt là những tác động môi trường, xã hội của dự án.
Ông Đặng Trung Thuận – chuyên gia độc lập: Tôi băn khoăn tại sao một mỏ sắt được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á, đã có một vài nhà tư bản quốc tế trên lĩnh vực này quan tâm, nhưng họ không tiến hành thăm dò, khai thác? Phải chăng họ thấy không có lợi nên không làm?
Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam Vũ Trọng Hồng: Khi khai thác sẽ tạo hồ thủy lợi sâu 500m. Đây là hố rất sâu chưa bao giờ có, kể cả biển hồ ở Kon Tum cũng chỉ 100m, vậy giải pháp sau khi khai thác thế nào?
Theo các nhà khoa học, chuyên gia trên lĩnh vực mỏ địa chất, môi trường, kinh tế… khai thác mỏ ở độ sâu trên âm 500m, moong mỏ lại nằm gần bờ biển, việc xử lý, giảm thiểu sóng biển phải được tính toán rất kỹ. Việc đổ bãi thải lấn biển sẽ làm biến dạng bờ biển, thay đổi dòng hải lưu gần bờ. Cần phải đánh giá tác động khoa học đến hải dương học.
Nếu khai thác mỏ sắt Thạch Khê phải sử dụng công nghệ nào, của nước nào? Đây là dự án lớn liên quan đến nhiều vấn đề, đặc biệt là môi trường. Tuy nhiên, đánh giá tác động môi trường DTM chưa hoàn thiện. Việc suy thoái hệ thống nước ngầm như thế nào trong khi độ dày trầm tích chỉ có hơn 30m? Thạch Khê có hệ thống nước ngầm tầng mặt, nước ngầm khu vực Thạch Khê rất lớn, nếu nguồn nước xuống thấp sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt xung quanh. Vì vậy giải quyết vấn đề này trong quá trình khai thác mỏ ra sao?
Ông Nghiêm Gia – Hội Khoa học & Công nghệ mỏ Việt Nam: Về công nghệ khai thác thì đã được các đơn vị chuyên ngành thẩm định và đã có thẩm định tiền khả thi. Chủ đầu tư cần đánh giá kỹ vấn đề hiện tượng hang caster, xâm nhập mặn…
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Quốc Hương: Công tác di dân, tái định cư và đào tạo nghề, ổn định cuộc sống lâu dài, bền vững cho người dân (gần 4.000 hộ) là bài toán nan giải đối với địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng: Hà Tĩnh mong muốn đoàn công tác VUSTA bằng kiến thức, kinh nghiệm trên các lĩnh vực chuyên môn, làm rõ, đưa ra những khuyến cáo khách quan, khoa học. Tỉnh sẵn sàng cung cấp thông tin để các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, thẩm định.
Ngoài ra, nếu khai thác, mỗi năm sẽ xả chất thải rắn khoảng từ 3.600 - 4.800 tấn và hàng nghìn m3 nước thải kim loại nặng. Việc kiểm soát, xử lý các nguồn ô nhiễm từ hoạt động sản xuất, khai thác mỏ như thế nào?
Đại diện Công ty CP Sắt Thạch Khê trả lời các câu hỏi của đoàn khảo sát
GS, TS khoa học Đặng Vũ Minh
Thay mặt đoàn công tác, GS, TS khoa học Đặng Vũ Minh, Chủ tịch VUSTA cảm ơn các tỉnh và đơn vị liên quan đã tạo điều kiện cho đoàn khảo sát, nghiên cứu về dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Từ kết quả các hoạt động này, VUSTA sẽ tổng hợp, xây dựng báo cáo, đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Theo Thanh Hoài/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn