Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra các tiêu chí tại xã Thạch Bàn
Xã Thạch Bàn
Là xã nằm ở vùng biển ngang của huyện Thạch Hà, có xuất phát điểm thấp, đến năm 2012, Thạch Bàn vẫn chưa đạt tiêu chí nào về nông thôn mới. Nơi đây hầu như không có đất sản xuất nông nghiệp, người dân chủ yếu làm làm muối, nề, mộc, xuất khẩu lao động… Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc huy động sức người, sức của để xây dựng nông thôn mới. Khởi động từ năm 2012 song đến năm 2019, việc xây dựng nông thôn mới mới thực sự được Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Xã tập trung chỉ đạo quyết liệt, rõ nét hơn.
Xã đã phát huy các kênh thông tin, nhất là hệ thống truyền thanh, các hội nghị để tổ chức 169 cuộc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên về xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, Xã đều tổ chức cho các đoàn thể, các thôn ký cam kết thi đua “Toàn dân chung sức thi đua xây dựng nông thôn mới”. Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể từ Xã tới thôn đã bám sát khung kế hoạch, vận động Nhân dân ra quân theo tuần, đồng thời đánh giá khối lượng công việc đạt được để bổ sung, điều chỉnh. Việc biểu dương gương điển hình hiến đất, đóng góp công sức, vật chất tại lễ chào cờ và qua hệ thống truyền thanh đã tạo khí thế thi đua giữa các thôn. Hàng tuần, các thôn tổ chức ra quân vào sáng thứ 7, các chi hội triển khai từ thứ 2 đến thứ 6, chi đoàn thanh niên phát động vào ngày chủ nhật, huy động thêm học sinh tham gia. Cán bộ, công chức, ngoại trừ bộ phận phải giải quyết công việc giao dịch với Nhân dân hoặc công việc chuyên môn cấp thiết còn lại đều tập trung bám sát các thôn. Quy chế dân chủ được phát huy, cán bộ chuyên môn định hướng chung, các tổ liên gia hoạch toán, nhận vật liệu sau đó tổ chức cho người dân triển khai thi công các công trình.
Với cách chỉ đạo cụ thể, tranh thủ tối đa các nguồn lực, từ năm 2012 - 2019, xã đã huy động được 84,56 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp trên 06 tỷ đồng, góp phần nâng cấp, làm mới 1,388km đường trục xã, 5,820km đường trục thôn, xóm, 6,941km đường ngõ xóm, 03km đường nội đồng; 5,37km đường trục xã, trục thôn trong khu dân cư có rãnh thoát nước; 05km đường được trồng cây bóng mát; 6,7km kênh mương được bê tông hóa; xây dựng bổ sung các phòng học của Trường Mầm non, Trường Tiểu học và đầu tư thêm các hạng mục để các trường đạt chuẩn; xây mới, nâng cấp 04 nhà văn hóa thôn cùng các điểm vui chơi, thiết chế đi kèm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, hội họp của người dân.
Đối với nhiệm vụ xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới đã bám sát địa bàn thôn, giám sát đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, tuyên truyền, định hướng cho người dân cải tạo, chỉnh trang vườn, hỗ trợ xây dựng 20 vườn mẫu. Xã đã ban hành chính sách hỗ trợ vật liệu và hỗ trợ mỗi vườn đạt chuẩn 02 triệu đồng...
Mô hình nuôi tôm của hộ ông Trương Quốc Hoàng (thôn Vĩnh Sơn)
Để tạo việc làm, khai thác tiềm năng, phát triển sản xuất, xã đã phối hợp các ban, ngành của Huyện tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân xây dựng các mô hình kinh tế, tổ chức 34 cuộc tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng nấm cho 1.590 lượt người tham gia; hướng dẫn, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho một số hộ sản xuất muối sang nuôi trồng thủy sản (tôm, cua, ngao, hến). Năm 2015, xã đã xét, đề nghị Ủy ban nhân dân huyện giao 284ha đất lâm nghiệp cho 37 hộ và một cộng đồng dân cư để sản xuất. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được 52 mô hình kinh tế, 35 hộ kinh doanh thương mại - dịch vụ, 614 hộ kinh doanh vận tải, làm gạch không nung, cơ khí, làm mộc, xây dựng và 150 người đi xuất khẩu lao động… Thu nhập bình quân đầu người đạt 33,8 triệu đồng/năm.
Xã Thạch Lâm
Thạch Lâm nằm ở phía Tây Nam huyện Thạch Hà, có 861 hộ dân, 3.263 nhân khẩu, chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Với quyết tâm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trước lúc thực hiện sáp nhập xã (sáp nhập với Thạch Tân và Thạch Hương), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thạch Lâm đã đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới.
Đường về thôn La Xá
Bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thạch Lâm có điểm xuất phát thấp, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 chỉ đạt 10,5 triệu đồng, kết cấu hạ tầng và các công trình phúc lợi thiếu và xuống cấp. Năm 2011, Xã chỉ mới đạt được 04 tiêu chí. Đến đầu năm 2019, xã mới đạt 12/20 tiêu chí, các tiêu chí chưa đạt là những tiêu chí khó thực hiện, như: Cơ sở vật chất văn hóa, Thu nhập, Khu dân cư kiểu mẫu và vườn mẫu, Môi trường...
Trước tình hình đó, Đảng ủy xã phân công cán bộ tăng cường về các thôn, tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc; chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân thi đua xây dựng nông thôn mới, góp công, hiến kế, hiến đất, tài sản trên đất; kêu gọi con em xa quê ủng hộ. Với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã đã xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện theo từng năm; ban hành cơ chế, kêu gọi chính sách thu hút đầu tư của các chương trình dự án.
Tổng cộng 10 năm qua, xã đã huy động được 52,939 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp 22,892 tỷ đồng và hiến hàng nghìn m 2 đất và tài sản trên đất, hàng vạn ngàn ngày công để xây dựng kết cấu hạ tầng, công trình phúc lợi. Hiện xã đã có 1,422 km đường trục xã đạt chuẩn (đạt 100%); 4,68 km đường trục thôn, xóm và 15,767 km đường ngõ xóm được cứng hoá; các trường học được xây dựng khang trang; thực hiện Dự án Đài truyền thanh không dây. Hai thôn La Xá và Kỷ Các được công nhận khu dân cư kiểu mẫu, các thôn còn lại đạt trên 70% các tiêu chí.
Người dân xây dựng bồn hoa
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ xây dựng một số mô hình kinh tế, nổi bật là Mô hình sản xuất giống lúa tập trung, Mô hình sản xuất rau gia vị ở thôn La Xá theo tiêu chuẩn VietGap.
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, kinh tế - xã hội có bước phát triển rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần Nhân dân được nâng lên. Đây là nền tảng vững chắc để Thạch Lâm chuẩn bị sáp nhập với các xã Thạch Tân, Thạch Hương theo đề án đã được phê duyệt.
Xã Sơn Diệm
Là một xã thuần nông nhưng từ hai năm trở lại đây, Sơn Diệm là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Hương Sơn.
Khuôn viên một Nhà văn hóa thôn
Cấp ủy, chính quyền xã xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao đời sống cho Nhân dân, đã chỉ đạo xây dựng lộ trình, kế hoạch và các giải pháp cụ thể với phương châm “Phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, Nhà nước hỗ trợ, cấp ủy đảng, chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã chủ trì cùng các tổ chức chính trị - xã hội vận động mọi tầng lớp Nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới”, thực hiện nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.
Khi mới triển khai xây dựng nông thôn mới, xã mới chỉ đạt 4/20 tiêu chí, người dân chưa hiểu hết mục đích, ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới nên chưa huy động được nguồn lực trong Nhân dân. Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đã tạo sự đồng thuận của Nhân dân.
Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2019, thời điểm nước rút để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền xã Sơn Diệm đã huy động mọi nguồn lực với tổng số tiền lên tới hơn 14 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng. Tổng cộng Nhân dân đã đóng góp trên 07 tỷ đồng, hiến 2.500m 2 đất vườn, 4.000m 2 đất nông nghiệp, huy động trên 7.300 ngày công, tự tháo dỡ hàng trăm mét tường rào để mở rộng nền đường. Bên cạnh đó, phải kể đến sự đóng góp của con em xa quê chung sức xây dựng quê hương. Vào những dịp Tết, xã tổ chức gặp mặt “Hội đồng hương con em xa quê”. Thông qua những buổi gặp gỡ, đã vận động đóng góp với số tiền gần 01 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục công trình phục vụ dân sinh.
Nhờ đó, xã Sơn Diệm đã cứng hóa 100% đường trục chính, 76% trục đường liên thôn, 79,37% đường ngõ xóm; 96,3% đường trục chính nội đồng, cơ bản đáp ứng xe cơ giới đi lại phục vụ sản xuất. Hệ thống kênh mương được xây dựng kiên cố, đạt 85%. Nếu như trước đây đường làng ngõ xóm ghồ ghề, bùn đất lầy lội sau cơn mưa, lòng đường nhỏ hẹp bởi những lùm cây, bờ rào xiêu vẹo gây cản trở giao thông, người dân sinh hoạt trong những ngôi nhà văn hóa cũ kỹ, thấm dột, ánh điện lờ mờ… thì nay đã được thay bằng những con đường bằng phẳng, rộng rãi, sạch sẽ; trải đều trên 09 thôn là 09 ngôi nhà văn hóa khang trang, khuôn viên “sáng, xanh, sạch, đẹp” cùng với 09 cổng làng được xây dựng vững chãi như khẳng định ý chí vươn lên của con người nơi đây.
Việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân cũng được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Nằm ở vùng bán sơn địa nên Sơn Diệm tập trung phát triển về kinh tế rừng, tổng diện tích cây trồng lâm nghiệp đạt 775 ha; xây dựng các mô hình kinh tế tổng hợp, mô trình trồng cây ăn quả, trong đó 47 mô hình thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm, điển hình như: Mô hình trồng cây ăn quả, cam, chanh và nuôi ong lấy mật, gia cầm của ông Nguyễn Quang Tác và ông Nguyễn Hồng Kỳ (thôn 1); mô hình trồng rừng (diện tích hơn 30 ha) của ông Nguyễn Thanh Long (thôn 4) thu nhập gần 400 triệu đồng/năm, mô hình chăn nuôi lợn theo hướng liên kết của anh Lê Trường Sơn, của ông Bùi Trọng Thái (thôn 4); mô hình nuôi dê của ông Pham Ngọc Đồng (thôn 2), ông Phạm Lê Lan (thôn 6); nhiều mô hình nuôi hươu quy mô 5 - 10 con, tổng đàn hươu trên địa bàn xã khoảng 1.000 con.
Một vườn mẫu được lắp đặt hệ thống tưới nước
Về phát triển kinh tế, không thể không kể đến các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn, 18 doanh nghiệp tư nhân đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 150 đến 200 lao động có thu nhập ổn định, góp phần giao thương hàng hóa và nâng cao thu nhập cho người dân. Bình quân thu nhập đầu người đạt 35,01 triệu đồng/năm, số hộ nghèo giảm còn 4,3%.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các nhóm tiêu chí về văn hóa, xã hội và môi trường, nhà ở dân cư, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, an ninh trật tự… được triển khai thực hiện có hiệu quả. Từng bước nâng cao chất lượng dạy và học; cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh được đầu tư, nâng cấp. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, phong trào thể dục, thể thao được tổ chức thường xuyên, sôi nổi.
Xã Kỳ Thọ
Kỳ Thọ từng là một trong những xã ngheo nhất của huyện Kỳ Anh. Nằm cách trung tâm huyện 9,5 km, Kỳ Thọ có 06 thôn, tổng diện tích tự nhiên 1.733,14 ha, 3.936 nhân khẩu. Người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy, hải sản. Quá trình xây dựng nông thôn mới, xã gặp nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng xuống cấp.
Đưa phương tiện cơ giới vào sản xuất nông nghiệp
Để phấn đấu vào cuối năm 2019 đạt chuẩn nông thôn mới, ngay từ những ngày đầu năm, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã đã tổ chức Lễ phát động toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới; phân công cán bộ phụ trách chỉ đạo các tiêu chí với quan điểm tiêu chí nào khó khăn nhất thì giao cho đồng chí có vị trí cao nhất, như: Tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu giao đồng chí Bí thư Đảng ủy; Tiêu chí môi trường giao đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã đảm nhận. Các đoàn thể xã, các chi hội, chi đoàn được giao phụ trách xây dựng các tuyến đường “xanh - sạch - đẹp”, giúp đỡ các hộ xây dựng vườn mẫu.
Với cách làm sáng tạo, cán bộ xã thường xuyên sâu sát địa bàn thôn để tuyên truyền, vận động và chỉ đạo quyết liệt và sự quan tâm giúp đỡ của Huyện, sau hơn 9 tháng phát động phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, từ một xã khó khăn, Kỳ Thọ đã có những đổi thay rõ nét trên từng ngõ xóm, làng quê. Xã hoàn thành các chỉ tiêu đăng ký làm đường bê tông, rãnh thoát nước theo cơ chế hỗ trợ xi măng; lắp đặt 700m đường dây hạ áp, 10.300m đường điện thắp sáng đường quê; vận động mua 286 máy lọc nước, xây dựng được 45 nhà vệ sinh tự hoại, xây dựng 65 hố chứa phân có mái che; trồng được 831 cây bóng mát, 8.680m hàng rào xanh, lắp đặt 176 biển pa nô tuyến truyền cổ động và 176 giá treo cờ. Xây dựng nhà làm việc 14 phòng, xây dựng 08 phòng học, sân thể thao, khu vui chơi giải trí. Huy động nguồn lực từ Nhân dân để xây dựng mới nhà văn hóa và chỉnh trang 04 khu trung tâm, sân thể thao thôn. Huy động gần 8.570 ngày công của các đoàn viên hội viên xây dựng nông thôn mới. Ước tính tổng nguồn lực huy động trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt gần 25 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp 08 tỷ đồng.
Người dân làm đường giao thông
Qua thẩm định đánh giá, đến nay xã Kỳ Thọ đã đạt 17/20 tiêu chí, còn 03 tiêu chí chưa đạt gồm: Cơ sở vật chất văn hóa; Vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; Khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu.
Để phấn đấu cuối năm 2019 đạt chuẩn nông thôn mới, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã đang tập trung chỉ đạo quyết liệt hoàn thành các tiêu chí còn lại; vận động Nhân dân chỉnh trang vườn hộ, vệ sinh môi trường, phân công cán bộ bám sát hỗ trợ xây dựng vườn mẫu; tăng cường công tác thông tin truyền, kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho người dân; đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc, xây dựng hệ thống chính trị xã hội vững mạnh.
Vừa qua, các xã Thạch Bàn, Thạch Lâm, Sơn Diệm đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với Kỳ Thọ, những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua là tiền đề vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tiếp tục phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của người dân./.
Các tác giả: Phan Thị Hương - Dương Trí Thức - L ê Thị Thư - Trần Mạnh Hải/https://hatinh.dcs.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn