|
Từ ước vọng “lá thắm, đồng xanh”… Xuất thân từ hoạt động đoàn thanh niên, trước khi lên nắm các vị trí chủ chốt của tỉnh, ông Võ Kim Cự đã có công rất lớn trong việc xây dựng tổ hợp khai thác Imenhit Cẩm Xuyên thành Tổng công ty Khoáng sản Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) hùng mạnh. Tuy là doanh nghiệp hàng tỉnh nhưng Tổng công ty này có gần 3.000 công nhân, kinh doanh đa ngành nghề, lĩnh vực trong và ngoài nước. Sau 5 năm làm Phó Chủ tịch phụ trách công nghiệp, ông Cự được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh; rồi Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch UBND tỉnh. “Chưa ngày giờ nào làm nông nghiệp, vì sao anh lại “mê” NTM đến như vậy!”. Có lần đi kiểm tra NTM, tôi từng hỏi như vậy. Ông Cự trả lời: “Bố mẹ, họ hàng gia đình tôi sống ở miền núi Cẩm Xuyên - nơi điều kiện sống còn nhiều khó khăn. Hơn nữa đến 80% số dân Hà Tĩnh đang sống ở nông thôn, miền núi, nơi đang cần được cải thiện cuộc sống tốt đẹp hơn!”. Đó cũng chính là nguyên do khơi nguồn cho chuỗi dự án chăn nuôi khép kín, đồng bộ đã làm thay đổi cuộc sống của hàng nghìn hộ nông dân trên mảnh đất khó Hà Tĩnh. Còn nhớ, năm 2004, trong lúc Mitraco đang ăn nên, làm ra với các lĩnh vực công nghiệp, thương mại thì Tổng giám đốc Mitraco Võ Kim Cự đã quyết định sang Thái-lan để mời chuyên gia về triển khai dự án nuôi lợn siêu nạc (LSN) ở Thạch Vĩnh. Nhờ đó, đến nay Hà Tĩnh đã phát triển chăn nuôi LSN trên địa bàn theo hướng công nghiệp hiện đại, đồng nhất một loại giống, một công nghệ… với đàn nái lên đến hàng vạn con và đang phấn đấu cung cấp 60% con giống trên địa bàn. Trong năm 2014-2015, ông Cự cùng lãnh đạo tỉnh đã “lôi kéo” thành công Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai triển khai tại Hà Tĩnh dự án “khủng” 200 triệu USD để phát triển đàn bò thịt và giống ngoại với tổng đàn lên đến 250 nghìn con… Nối tiếp những thành công của chuỗi chăn nuôi khép kín LSN, bò ngoại chất lượng cao, ông Cự cùng tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chính là chỗ dựa cho các dự án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mà Hà Tĩnh đang triển khai. Bước đầu gặt hái được nhiều kết quả tốt như: trồng rau, củ, quả trên đất cát bạc màu, hoang hóa; phát triển chăn nuôi bò Charolaise, lai Zebu chất lượng cao; dự án nuôi tôm, cá bơn, cá mú, nuôi tôm tại vùng ven biển... Nhờ đó, những cồn cát bạc màu, cánh đồng chiêm trũng ở Hà Tĩnh đang hứa hẹn trở thành những khu sản xuất trù phú, đem lại hiệu quả kinh tế cao. “Với lợi thế của ba khu vực phát triển kinh tế gắn với ba vùng sinh thái, nếu chúng ta mạnh dạn, chịu khó tìm tòi thì sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh không chỉ được cả nước biết đến với những sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực chất lượng cao mà trên gần 500.000 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở vùng “chảo lửa, túi mưa” sẽ được phủ đầy bởi “lá thắm, đồng xanh”. Ông Cự chia sẻ. Đến “Tư lệnh” nông thôn mới Hà Tĩnh đang vượt lên thoát nghèo trong những năm gần đây. Để tránh tình trạng tỉnh giàu, nông dân nghèo, Hà Tĩnh đã xác định một trong ba lĩnh vực ưu tiên phát triển đó là xây dựng NTM, mà “Tư lệnh” - Trưởng ban chỉ đạo là Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự. Tuy là tỉnh nghèo nhưng với cách làm sáng tạo, Hà Tĩnh là một trong 13 tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM. Xin được nói thêm, ông Cự đắc cử Chủ tịch UBND tỉnh vào năm 2010, đến tháng 1-2015, ông Cự được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy và kiêm Chủ tịch UBND tỉnh đến tháng 5-2015. Tại thời điểm làm Chủ tịch UBND tỉnh, mọi người thường gọi ông với cái tên thân mật: Ông Chủ tịch “mê” NTM. Quả là không sai, bởi nhiều năm trở lại đây, đã thành thông lệ, cứ vào ngày thứ bảy (cao điểm có lúc cả ngày chủ nhật) hằng tuần, Đoàn kiểm tra NTM của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Võ Kim Cự cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn (nay là Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư, kiêm Chủ tịch UBND tỉnh) và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan xuống tận cơ sở nắm tình hình xây dựng NTM ở các địa phương. Bất kể mưa hay nắng, người ta vẫn thấy ông Cự quần xắn gối, dẫn đầu đoàn công tác lúc đầu ruộng, lúc xưởng sản xuất hay trang trại chăn nuôi… để thăm hỏi động viên, chia sẻ từng mô hình sản xuất kinh doanh. Nhờ sự sâu sát thực tế của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đã giúp cơ sở và người dân tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đem lại nhiều kết quả thiết thực. Điển hình như khi đoàn kiểm tra về làm việc ở huyện Cẩm Xuyên, sau khi nghe chủ trang trại Võ Đình Vóc ở thôn 4, xã Cẩm Trung trình bày những vướng mắc trong việc vay vốn để phát triển chăn nuôi, ông Cự yêu cầu ngân hàng giải trình vì sao mô hình nuôi lợn nái siêu nạc của ông Vóc không được vay vốn để phát triển?!. Ngay trong một thời gian ngắn thẩm định, ông Vóc được ngân hàng vay đủ 700 triệu đồng theo yêu cầu. Nhờ được hỗ trợ vốn kịp thời nên trang trại lợn giống siêu nạc của ông Vóc phát triển tốt, trở thành một trong những điểm sáng trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập ở xã Cẩm Trung. Rút kinh nghiệm từ mô hình của gia đình ông Vóc, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Cẩm Xuyên đã vào cuộc quyết liệt và thực sự là “bà đỡ” cho phát triển các mô hình kinh tế xây dựng NTM ở Cẩm Xuyên. Qua tiếp xúc với các chủ trang trại được biết, hầu như các thủ tục hành chính, cấp bìa đỏ trang trại, đất đai, GPMB… đều được các địa phương triển khai nhanh chóng cũng một phần là nhờ “lực đẩy” từ Đoàn công tác của ông Cự. Không chỉ vậy, việc lãnh đạo đầu tỉnh trực tiếp xuống tận nơi, kiểm tra, đôn đốc theo kiểu “hỏi xoáy, đáp xoay” các vấn đề liên quan đến xây dựng NTM nên đã hạn chế được tình trạng “báo cáo láo” hay thờ ơ trong lãnh đạo, chỉ đạo cấp cơ sở. Biểu dương kịp thời những nơi làm hay, những cách làm tốt và chấn chỉnh ngay nhưng biểu hiện thiếu trách nhiệm với phong trào. Một lãnh đạo cơ sở xin được giấu tên tâm sự: “Nếu không triển khai đến nơi đến chốn mà bị ông Cự “sạc” thì thiếu nước tìm lỗ nẻ… Nên cố mà làm”. Là quan đầu tỉnh, bận trăm công nghìn việc, nhưng ông Cự đã dành thời gian xuống 100% số xã trong tỉnh để kiểm tra NTM, thậm chí có địa phương ông xuống đến lần thứ hai, thứ ba. Do dành nhiều thời gian đi cơ sở giúp ông Cự và lãnh đạo tỉnh nắm chắc tình hình nên đã kịp thời phát hiện, sửa chữa những khiếm khuyết trong khâu chỉ đạo, điều hành, thủ tục hành chính… ở nhiều cấp, ngành. Từ đó, đưa ra các quyết sách phù hợp. Chẳng hạn khi xuống cơ sở, phát hiện việc nông dân thiếu vốn phát triển mô hình sản xuất. Ngay lập tức, ông Cự đã họp UBND tỉnh và đã kịp thời ra các Quyết định (QĐ) 24 hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; QĐ 26 hỗ trợ cấp bù lãi suất vốn vay cho các tổ chức và cá nhân phát triển mô hình sản xuất… Tuy là tỉnh nghèo, nhưng đến nay, hàng vạn hộ nông dân đã được vay, hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng ngân sách từ các QĐ này. Nhờ có sự hỗ trợ kịp thời đó mà các địa phương đã phát triển được hơn 10.000 mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cho doanh thu từ 100 triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng. Hay việc, UBND tỉnh đã chắt chiu ngân sách để hỗ trợ 100% xi măng làm đường giao thông nông thôn nên đã “kích cầu” nông dân góp công của, mỗi năm làm xấp xỉ khoảng 1.000 km đường đạt chuẩn NTM… Góp phần đưa Hà Tĩnh trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu, vừa có cách làm hay vừa triển khai tốt chương trình quốc gia xây dựng NTM… Giờ đây, ông Võ Kim Cự đã ra Hà Nội đảm nhận trọng trách Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhưng cán bộ và người dân Hà Tĩnh vẫn nhớ tới thông điệp mà ông Chủ tịch “mê” NTM đưa ra: “ Không ai được phép đứng ngoài cuộc xây dựng NTM. Nếu còn nhớ đánh răng, rửa mặt, còn nhớ ăn sáng thì phải nhớ đến làm NTM” . Thành Châu/nhandan.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn