Đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã có 3 xã “về đích” trong chương trình xây dựng nông thôn mới, hoàn thành sớm 1 năm so với kế hoạch đề ra. Diện mạo nông thôn ở khắp các làng quê tỉnh Tuyên Quang thay đổi rõ rệt.
Những con đường mới tạo bước “đột phá” phát triển các làng quê. |
Xã Tân Trào (huyện Sơn Dương) là 1 trong 3 xã đại diện cho 3 miền trong cả nước được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bảo trợ về huy động nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Tân Trào đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới; 100% đường liên xã, trục chính của xã được nhựa hóa; 80% đường nội thôn, liên thôn và 50% đường nội đồng được bê tông hóa; trên 95% hộ gia đình được sử dụng điện; 100% số trường học đạt chuẩn quốc gia...Ông Phạm Ngọc Thảnh, trưởng thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào, cho biết: Xây dựng nông thôn mới là chương trình rất hợp với lòng dân. Các tiêu chí trong chương trình đã phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân, nên khi triển khai thực hiện được hưởng ứng tích cực, hoàn thành các tiêu chí đề ra. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và tập trung phát triển cây chè (cây trồng chủ lực phát triển kinh tế tại thôn) theo hướng sản xuất hàng hóa, nhiều gia đình trong thôn đã thoát nghèo, đời sống được nâng lên, trong thôn không còn nhà dột nát, không còn hộ nghèo. Người dân đang làm đường bê tông nông thôn. |
Chủ tịch UBND xã Tân Trào Nguyễn Văn Hòa cho biết thêm: Đảng bộ và các dân tộc trong xã quyết tâm phát huy “nội, ngoại lực” để xây dựng thành công nông thôn mới. Nhờ vậy, đời sống kinh tế của người dân có bước phát triển vượt bậc, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gấp đôi từ 8,5 triệu lên 16,8 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hiện còn 3%...Trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Tuyên Quang xác định: Người dân được làm chủ, từ làm đường, xây nhà, xóa đói giảm nghèo cho đến phát triển kinh tế địa phương. Tỉnh cũng quán triệt đến từng huyện, từng xã về việc phải đoàn kết được nhân dân thì mới thành công. Nhờ vậy, đến nay, Tuyên Quang có 3 xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới (gồm Tân Trào, huyện Sơn Dương; Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn; xã An Khang, thành phố Tuyên Quang); 8 xã đạt từ 15 -18 tiêu chí, 26 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí… Tỉnh đã huy động nhân dân đóng góp trên 660 tỷ đồng và tự nguyện hiến hơn 41.800 m2 đất để làm đường bê tông nông thôn.Để duy trì và phát huy những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; lựa chọn những nội dung thiết thực, phù hợp để tuyên truyền vận động, khơi dậy tinh thần tự giác trong cộng đồng chung sức xây dựng nông thôn mới; phát động phong trào thi đua thôn điểm, hộ điểm xây dựng nông thôn mới. Tỉnh cũng lồng ghép các nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án để phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn gắn với thực hiện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Bài và ảnh: Vũ Quang Đán
Theo baotintuc.vn