Vai trò to lớn
Qua 3 năm triển khai chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh ta, vai trò của DN đã được khẳng định rõ nét. DN đã thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng hiện đại; trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa. Sự phát triển của ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ta trong những năm qua là một minh chứng cụ thể.
Các mô hình liên kết trong chăn nuôi lợn giữa doanh nghiệp và nông dân phát triển ngày càng nhiều. |
Là một DN nhà nước hoạt động trên nhiều lĩnh vực, Tổng Công ty KS&TM đang là đơn vị đi đầu trong tham gia thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM của Hà Tĩnh. Công ty CP Chăn nuôi Mitraco, trực thuộc Tổng Công ty là một trong những đơn vị thành viên điển hình về hoạt động SXKD hiệu quả, đồng thời trực tiếp tham gia vào chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh. Đến nay, đơn vị đã xây dựng được 31 trại chăn nuôi vệ tinh có quy mô từ 250-500 con lợn thương phẩm/lứa và đang triển khai phát triển chăn nuôi gia công lợn nái và lợn thương phẩm tại các địa phương trong tỉnh. Hiện nay, Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh đang chuẩn bị mọi điều kiện để khởi công xây dựng Nhà máy Chế biến súc sản tại KKT Vũng Áng. Nhà máy ra đời là động lực thúc đẩy ngành chăn nuôi trong tỉnh phát triển lên một tầm cao mới.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Tổng Công ty KS&TM đang thực hiện, đó là việc triển khai đề án “Xây dựng mô hình rau, củ, quả công nghệ cao cho vùng đất cát hoang hóa, bạc màu ven biển Hà Tĩnh” với tổng mức đầu tư gần 10 tỷ đồng tại xã Thạch Văn (Thạch Hà), nhằm tạo ra sản phẩm rau, củ, quả hữu cơ an toàn, có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, đồng thời chống hoang mạc hóa. Ông Dương Tất Thắng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty KS&TM, Chủ tịch Hiệp hội DN Hà Tĩnh khẳng định: “Được sự tin tưởng của BCĐ xây dựng NTM tỉnh, đơn vị sẽ nỗ lực gắn kết với cấp ủy, chính quyền và nhân dân đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hiện đại; góp phần thực hiện thành công chương trình MTQG xây dựng NTM”.
Thực hiện lời kêu gọi “Toàn tỉnh chung sức xây dựng NTM”, các công ty, ngân hàng đóng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều chương trình về an sinh xã hội, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội với giá trị hàng chục tỷ đồng. Đã có hàng chục DN tham gia tài trợ cho các xã xây dựng NTM với số tiền trên 100 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng No&PTNT, ngoài thực hiện tốt các gói tín dụng hỗ trợ phát triển sản xuất theo chủ trương của Chính phủ và của tỉnh, đơn vị còn tham gia tài trợ với số tiền hàng chục tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Diên - Giám đốc Ngân hàng No&PTNT Hà Tĩnh cho biết: “Xây dựng NTM, tất yếu phải có vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, đối với ngân hàng, đây cũng là cơ hội tốt để phát triển tín dụng dựa trên các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, việc đồng hành xây dựng NTM được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị kể cả trước mắt cũng như lâu dài”.
Thực thi khó khăn
Một thực tế hiện nay là, việc đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp - nông thôn của các DN còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Mục tiêu hướng về nông nghiệp - nông thôn của các DN đang gặp phải những rào cản đáng kể, khiến nhiều DN không mấy mặn mà. Vì vậy, việc tham gia xây dựng NTM của các DN cũng đang hạn chế cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Suy cho cùng, vẫn là do môi trường đầu tư chưa thuận lợi; rủi ro cao, lợi nhuận thấp… Trong khi đó, Nhà nước chưa có giải pháp thực sự hữu hiệu để đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng DN.
HTX SX-KD giống, thương mại, chế biến nông sản Đức Lâm (Đức Thọ) sớm gặp phải không ít khó khăn về hị trường nguyên liệu |
“Hiện nay, cơ sở hạ tầng ở nông thôn còn rất nghèo nàn, lạc hậu, nên khi DN về nông thôn, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu và chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao; môi trường kinh doanh còn có nhiều điểm chưa thuận lợi; khả năng cạnh tranh của DN kém, tiếp cận thị trường còn hạn chế. Lao động vùng nông thôn tuy dồi dào nhưng ý thức công nghiệp chưa cao. Bên cạnh đó, sự khó khăn trong tiếp cận vốn vay ngân hàng cũng đang là một thách thức lớn đối với DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn” - Chủ tịch Hiệp hội DN Hà Tĩnh - Dương Tất Thắng trăn trở.
Cũng chính vì vậy, ngoài một số DN, ngân hàng đã và đang tích cực góp sức đồng hành thì dễ dàng nhận thấy sự thiếu vắng rõ rệt của nhiều DN trong việc đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Và một khi thiếu bàn tay của DN, xây dựng NTM sẽ khó đạt được hiệu quả như mong đợi. Ông Đặng Ngọc Sơn - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Trong những năm thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh luôn khẳng định vai trò có tính nòng cốt của DN. Tuy nhiên, hiện nay, việc tham gia của DN vào xây dựng NTM đang có những khó khăn nhất định. Thời gian tới, trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh sẽ đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Theo đó sẽ có sự điều chỉnh, bổ sung một cách có hệ thống các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, nhằm tạo động lực cho DN yên tâm đầu tư vào xây dựng NTM; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa cộng đồng và DN”.
Như vậy, làm được điều này, sẽ tạo ra cơ hội lớn để DN có thể tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM. Trong phát triển sản xuất, nông dân không thể trụ vững nếu không có bàn tay của DN; nhưng DN cũng không thể đứng vững nếu không có các cơ chế, chính sách trợ giúp từ phía Nhà nước. Một cơ chế thông thoáng, một hệ thống chính sách phù hợp, cùng với sự hợp tác của hệ thống chính trị các cấp, sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân… sẽ là động lực quan trọng để DN có điều kiện thể hiện vai trò của mình trong xây dựng NTM.
TIẾN THÀNH
theo baohatinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn