* Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh và các vị đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh tiếp tục tiếp xúc chuyên đề với cử tri huyện Hương Sơn.
Tham gia đóng góp ý kiến cho Đề án về Chương trình mục tiêu y tế và dân số giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo, Đề án Phát triển giáo dục mầm non, phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo, cử tri Hương Sơn cơ bản đồng tình với nội dung, bố cục, hình thức, thời điểm ban hành.
Tuy nhiên, cử tri bày tỏ băn khoăn một số nội dung trong Đề án về Chương trình mục tiêu y tế và dân số chưa đánh giá một cách chính xác thực trạng người chưa thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn nhưng lại đề ra mục tiêu giảm xuống 20% là thiếu căn cứ. Còn mục tiêu của đề án là 20% số người mắc bệnh ung thư khoang miệng, cổ tử cung, đại trực tràng được phát hiện ở giai đoạn sớm là thấp, nên nâng tỷ lệ này lên.
Cử tri Hương Sơn cũng đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư trang thiết bị kiểm nghiệm, có lộ trình thành lập chợ nông sản thực phẩm; xem xét để có mức đãi ngộ cao hơn đối với nhân viên hợp đồng tại các cơ sở điều trị Methadone; sau khi sáp nhập Trung tâm dân số, cần lưu ý hơn đến việc bố trí cán bộ phù hợp với chuyên môn đào tạo và thực tế công việc.
Về Đề án Phát triển giáo dục mầm non, phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo, nhiều cử tri Hương Sơn đề nghị cần nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ đối với từng trường hợp cụ thể. Đối với những trường phải sáp nhập thì không nên ghi rõ trong đề án, tránh ảnh hưởng đến hoạt động của các trường và tâm tư, nguyện vọng của học sinh, phụ huynh.
Về tự chủ tài chính trong giáo dục, cử tri cho rằng, đây là xu hướng đúng, nên thực hiện. Nhưng việc tự chủ có nguy cơ trái với Luật Giáo dục vì luật quy định không bắt buộc học sinh tiểu học, THCS đóng học phí, nhưng khi tự chủ tài chính thì các trường phải thu để đảm bảo hoạt động. Cử tri cũng đề nghị, để tự chủ tài chính đạt kết quả tốt thì cần có phương án, lộ trình giảm dần nguồn chi thường xuyên theo từng giai đoạn để từng bước tiến tới tự chủ toàn phần.
Ngoài ra, cử tri Hương Sơn cũng có ý kiến về các vấn đề: Chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo còn nhiều bất cập; các trường gặp lúng túng khi thu tiền xây dựng cơ sở vật chất hàng năm do chưa có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể; sớm có văn bản hướng dẫn huy động nguồn lực theo hướng xã hội hóa giáo dục để các trường có hành lang pháp lý...
Ngoài tiếp thu ý kiến cử tri, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh cũng đã thay mặt tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại Hương Sơn trao đổi, thông tin thêm một số vấn để cử tri quan tâm; một số kết quả nổi bật trong phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN những tháng đầu năm của tỉnh.
* Cũng trong chiều nay (20/6), các đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại huyện Lộc Hà có buổi tiếp xúc cử tri về chuyên đề giáo dục - đào tạo trước kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri cơ bản đồng tình với Đề án Phát triển giáo dục Mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo để đáp ứng với yêu cầu đổi mới nhiệm vụ dạy và học trong tình hình mới.
Nhiều cử tri cho rằng, công tác dạy và học trên địa bàn huyện Lộc Hà thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng vẫn đứng ở vị trí thấp so với các địa phương khác trong tỉnh. Tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất hạn chế, thiếu cơ chế, chính sách phù hợp để công tác dạy và học phát triển một cách toàn diện đang trở thành phổ biến. Công tác xã hội hóa giáo dục khó huy động vì thiếu cơ chế pháp lý, nguồn thực phẩm sạch phục vụ cho các cơ sở giáo dục bán trú chưa có cơ quan chuyên môn kiểm chứng, đảm bảo...
Cử tri kiến nghị, các cấp, ngành có thẩm quyền cần có cơ chế, chính sách để đào tạo đội ngũ quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên giỏi; đảm bảo biên chế giáo viên cho các trường; đầu tư cơ sở vật chất cho các trường theo nhu cầu thực tế, ưu tiên các công trình vệ sinh, nước sạch, sân thể thao...
Cùng với đó, tỉnh sớm có cơ chế đảm bảo tính pháp lý trong thực hiện đề án xây dựng trường điển hình tiên tiến; các trường phải hợp đồng giáo viên do thiếu, cần được nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ nguồn tài chính; có chủ trương để các trường đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong giáo dục... Việc thực hiện 3 trường 1 kế toán như đề án nêu là thiếu thực tế, “bất khả thi”...