Vườn cam của hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Thái, thôn Khe Giao 1, xã Ngọc Sơn
Thôn Thọ có truyền thống trồng rau lâu đời ở xã Thạch Liên, năm nay, toàn thôn hoàn thành cơ bản diện tích xuống giống với 15 ha, trong đó khoảng 6 ha bắp cải, 3 ha su hào, 1 ha dưa chuột, còn lại là các loại hành, ngò, súp lơ, mướp đắng, đậu... Đến nay, các loại rau đã đến thời kỳ thu hoạch . Ở thôn có 2 tổ hợp tác trồng rau với hơn 50 thành viên. Tổ hợp tác có vai trò điều tiết nước, quy hoạch hạ tầng vùng sản xuất và chỉ đạo, định hướng cơ cấu, thời điểm xuống giống cho các tổ viên. Trong vụ sản xuất này, các tổ viên tổ hợp tác không những xuống giống hết vùng đã quy hoạch mà nhiều hộ còn làm thêm trong vườn và những vùng có thể trồng rau.
Một vườn rau tại thôn Thọ, xã Thạch Liên
Điển hình là gia đình anh Lê Hữu Trung, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng rau thôn Thọ canh tác tới 7 sào, chỉ sau 3 tháng sản xuất, trừ chi phí, gia đình thu về gần 100 triệu đồng. Đó là động lực nhiều hộ dân nơi đây phát huy kinh nghiệm, cập nhật kiến thức, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bộ giống, mở rộng diện tích, áp dụng quy trình, kỹ thuật chăm sóc mới, đảm bảo tiêu chuẩn rau, củ, quả sạch, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích.
Những ngày Tết sắp cận kề, hoa tại các nhà màng ở Bắc Sơn đã bắt đầu khoe sắc, những người kinh doanh hoa tươi đã tìm đến tận vườn đặt hàng trước. Năm nay, thôn Xuân Sơn, xã Bắc Sơn có 10 hộ trồng hoa cúc trong nhà màng với tổng diện tích là 2.500m 2 . Đây là giống hoa được nhập từ Đà Lạt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Bắc Sơn. Hàng năm vào tháng 9 âm lịch, các hộ bắt đầu xuống giống, sau 3 tháng chăm sóc có thể thu hoạch. Không chỉ phục vụ Tết mà nhiều hộ còn có hoa phục vụ Rằm tháng Giêng. Với diện tích một nhà màng rộng khoảng 300m 2 , chỉ 3 tháng trồng hoa có thể mang về 40 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Mỗi năm, các hộ canh tác 2 vụ dưa, 1 vụ hoa, đây là hướng tiếp cận, tổ chức sản xuất đúng đắn, bền vững, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp trong tương lai, vừa nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập, vừa hạn chế thấp nhất ảnh hưởng, tác động của thời tiết, thiên tai. Ngoài sản phẩm hoa, Tết này, ở Bắc Sơn còn có 40 hộ trồng 20 ha đào từ 50 gốc trở lên ở các thôn Xuân Sơn, Kim Sơn. Các vườn đào ở Thạch Vĩnh, Thạch Ngọc… cũng đã đón khách đến xem và mua về chơi Tết.
Nhà trồng hoa của hộ gia đình chị Nguyễn Thị Hải, thôn Xuân Sơn, xã Bắc Sơn
Ngọc Sơn là xã có diện tích trồng cam lớn nhất huyện Thạch Hà với tổng diện tích là 86 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn Khe Giao 1, Khe Giao 2, Ngọc Hà, Trung tâm, được cấp chứng nhận tiêu chuẩn Vietgap từ năm 2017… Năng suất và sản lượng cam Ngọc Sơn năm nay cao hơn nhiều so với năm ngoái. Vào thời điểm này, cam tại các vườn hộ còn khoảng trên 100 tấn để cung cấp khách hàng dịp Tết.
Hoa, đào và nhiều sản phẩm rau, củ, quả trên khắp các vùng quê Thạch Hà đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm ngành nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, đưa lại nguồn thu bền vững, giúp nhiều hộ thoát nghèo và nhiều hộ vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Phan Thị Hương - Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạch Hà/https://hatinh.dcs.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn