Phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Đức Hợi - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh về thực trạng và giải pháp phòng chống hạn vụ sản xuất hè thu.
- Hiện nay, các đơn vị quản lý đã bắt đầu mở nước phục vụ sản xuất hè thu. Xin ông cho biết tình hình mực nước và khả năng cấp nước của các hồ chứa, đập dâng trên địa bàn?
Hà Tĩnh là địa phương có số lượng hồ chứa, đập dâng lớn với trên 345 hồ chứa và 57 đập dâng. Mỗi năm, các hồ chứa đảm bảo tưới cho trên 110.000 ha lúa, cây trồng cạn và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, lượng mưa từ 2014 đến đầu năm 2015 đạt thấp, chỉ bằng 50-60% so với trung bình nhiều năm (TBNN). Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm nay, mặc dù cuối tháng 4, trên địa bàn xuất hiện đợt mưa khá lớn (nơi cao nhất đạt 400 mm) nhưng phân bố không đều. Tổng lượng mưa chỉ đạt xấp xỉ 20-30% so với TBNN, một số vùng chỉ đạt 10-17% như: Hương Sơn, Hương Khê, Linh Cảm, Vũ Quang. Thực trạng này đã dẫn đến việc thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước ở các hồ đập.
Khô hạn đang diễn ra nhiều nơi trong toàn tỉnh. (Ảnh chụp tại xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn) |
Đến thời điểm hiện tại, dung tích hồ chứa lớn như: Kẻ Gỗ đạt 63,5% thiết kế; Thượng Tuy 69,9%; Sông Rác 85,1%; Kim Sơn 99,6%; Đá Cát 87%... Theo nhận định thì các hồ chứa này vẫn có thể cung cấp đủ nguồn nước tưới cho sản xuất hè thu. Tuy nhiên, nếu nắng nóng kéo dài thì khả năng cung cấp đủ 100% diện tích gieo cấy là điều không dễ. Đặc biệt là các hồ chứa tại 3 huyện: Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang đạt rất thấp so với thiết kế: Khe Cò (33,2%), Vực Rồng (34,7%), Cơn Trường (33,3%), Đập Làng (25%), Đập Họ (36,9%)…
Hiện nay, các công ty đã mở nước phục vụ lượt tưới đầu tiên cho vụ hè thu. Với thời tiết nắng nóng như những ngày qua thì nhiều khả năng thời gian tưới phải kéo dài. Trong khi đó, mực nước tự nhiên ở các sông, suối xuống thấp so với cùng kỳ. Diễn biến thời tiết năm nay có nhiều nét tương đồng với vụ hè thu 2010. Nói như vậy có nghĩa nguy cơ hạn hán gay gắt vào vụ hè thu tới là rất cao. Kéo theo đó, do ảnh hưởng của hiện tượng El nino nên tình trạng xâm nhập mặn cao và kéo dài, trọng tâm rơi vào cuối tháng 6 đến giữa tháng 7/2015.
- Những vùng nào có nguy cơ xảy ra hạn hán, thưa ông?
Nhìn vào sơ đồ phân bố lượng mưa trong những tháng đầu năm 2015 và mực nước ở các hồ đập, có thể khẳng định: trọng tâm của hạn hán vụ hè thu 2015 sẽ rơi vào các huyện: Hương Sơn, Hương Khê, Lộc Hà và một số xã trà sơn huyện Can Lộc. Nguồn nước tưới ở Hương Sơn, Hương Khê chủ yếu phụ thuộc vào hồ chứa nhưng hiện nay mực nước các hồ xuống thấp, chỉ đạt 30-35% cùng kỳ. Với lượng nước này, các hồ chứa chỉ có thể cung cấp cho đồng ruộng khoảng 3 lượt tưới (cả vụ khoảng 5-6 lượt - P.V). Riêng Lộc Hà, ngoài nguồn nước từ hồ Khe Hao và Đồng Hố thì chủ yếu diện tích phụ thuộc vào trạm bơm từ hệ thống sông Nghèn. Tuy nhiên, nếu tình trạng nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn cao thì việc lấy nước từ hệ thống này là rất khó khăn (do cống Trung Lương, Đức Xá phải đóng, tránh tình trạng xâm nhập mặn).
- Vậy, những giải pháp tối ưu nào để chủ động phòng chống hạn, thưa ông?
Năm nay, Hà Tĩnh không xuất hiện mưa lũ tiểu mãn. Do vậy, Sở NN&PTNT đã chủ động cơ cấu sản xuất vụ hè thu theo phương án 2 với diện tích tưới đủ cho 41.760 ha lúa hè thu. Theo đó, chuyển đổi một số diện tích hè thu thuộc vùng cao cưỡng, không chủ động nguồn nước sang cây trồng cạn. Trên hệ thống sông Nghèn, điều chỉnh quy trình vận hành sông Nghèn hợp lý, nhằm chủ động nguồn nước tưới về trạm bơm và cấp nước cho Lộc Hà, Thạch Hà và Can Lộc. Ở Hương Khê, ngành chuyên môn có phương án chuyển nước từ kênh Sông Tiêm về cho hồ chứa nhỏ, đồng thời khuyến cáo huyện nên tận dụng nguồn nước từ sông suối, giữ nguồn nước ở hồ chứa.
Về biện pháp công trình, hiện, Sở NN&PTNT cũng đang triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn nước, chủ động thực hiện công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, chú trọng các công trình trọng điểm: hoàn thiện kênh dẫn hạ lưu cống Đức Xá để bổ sung nguồn nước cho hệ thống kênh trục sông Nghèn trong trường hợp cống Trung Lương đóng khi xâm nhập cao.
Đối với các hồ chứa thiếu nước để tưới đồng loạt thì phải tổ chức tưới luân phiên, phân chia nước hợp lý. Thường xuyên kiểm tra nồng độ nhiễm mặn để chủ động kế hoạch đóng - mở cống ngăn mặn, giữ ngọt. Cùng với đó, đề nghị các địa phương có kế hoạch đắp bờ giữ nước; khảo sát, đánh giá lại các trục tiêu, khe lạch để có thể đắp tạm giữ nước hồi quy để bơm tát chống hạn; thực hiện kiên cố hóa kênh mương nội đồng theo đúng kế hoạch.
Theo: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn