Việc cắt giảm 1/2 thời gian và 1/3 thành phần hồ sơ đã đem lại những tín hiệu tích cực từ phía người dân.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách TTHC, kiểm soát TTHC của tỉnh thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về vị trí và tầm quan trọng của công tác kiểm soát TTHC; thực hiện việc rà soát cắt giảm thành phần hồ sơ và thời hạn giải quyết TTHC theo chỉ đạo của UBND tỉnh, cũng như việc cập nhật, trình công bố vẫn còn chậm so với yêu cầu; việc niêm yết, công khai các TTHC và công khai địa chỉ phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định TTHC của một số đơn vị, địa phương chưa kịp thời, đầy đủ…
Các tồn tại, hạn chế này đã ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, tạo “điểm nghẽn”, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh. Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp chưa quán triệt, nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của mình và chưa thực sự quan tâm, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cải cách TTHC, kiểm soát TTHC của đơn vị cả trong các khâu xây dựng, kiểm soát việc ban hành và thực hiện TTHC; vai trò của cơ quan kiểm soát TTHC trong công tác cải cách TTHC chưa được phát huy đúng mức…
Cải cách hành chính góp phần quan trọng tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, đưa Hà Tĩnh trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. (Trong ảnh: Công trường thi công hạng mục kênh dẫn cầu tàu dịch vụ, dự án Formosa tại KKT Vũng Áng.) |
Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách TTHC, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND, trong đó yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện các Thông báo kết luận của UBND tỉnh về tăng cường cải cách hành chính (Thông báo số 350/TB-UBND ngày 03/9/2014; Thông báo số 154/TB-UBND ngày 15/4/2014 và Thông báo số 224/TB-UBND ngày 28/5/2015); thực hiện việc niêm yết công khai và tổ chức thực hiện các TTHC đơn giản hóa cắt giảm thành phần hồ sơ và thời hạn giải quyết TTHC đã được UBND tỉnh công bố đến tận tất cả các cán bộ, công nhân viên, cấp huyện, cấp xã và đến tận nhân dân, hoàn thành trước ngày 10/7/2015, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 12/7/2015. Thường xuyên tổ chức rà soát, đánh giá sự cần thiết, tính hợp pháp, hợp lý và hiệu quả của các TTHC, xác định chi phí tuân thủ TTHC trong phạm vi quản lý hoặc thực hiện của Sở, ban, ngành, địa phương; trên cơ sở đó tiếp tục cắt giảm hoặc đề xuất cắt giảm tối đa các TTHC rườm rà, không cần thiết để giảm chi phí tuân thủ.
Thứ hai, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phát động phong trào nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến trong cải cách TTHC; tăng cường ứng dụng triệt để công nghệ thông tin và xây dựng quy trình giải quyết TTHC nội bộ, bảo đảm nhanh, gọn, khoa học, thuận tiện, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục cho cá nhân, tổ chức; tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết TTHC.
Thứ ba, phối hợp với Sở Tư pháp kiểm soát nghiêm ngặt việc ban hành mới các TTHC thông qua việc đánh giá tác động, tham gia ý kiến, thẩm định TTHC trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC, thể hiện đầy đủ, trung thực các ý kiến đó trong Tờ trình trình UBND tỉnh ban hành văn bản. Tuyệt đối không trình UBND tỉnh ban hành những văn bản có quy định TTHC chưa được Sở Tư pháp đánh giá tác động, không trình ban hành những văn bản có quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2727/VPCP-PL ngày 21/4/2015 của Văn phòng Chính phủ; đồng thời tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định về công bố, công khai, minh bạch TTHC và giải quyết phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức.
Thứ tư, kịp thời xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng chậm công khai, niêm yết TTHC hoặc thiếu trách nhiệm, chậm trễ, gây phiền hà trong giải quyết TTHC đối với cá nhân, tổ chức. Ngoài việc xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm nhiệm vụ, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó cũng phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm với tư cách là Người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm và thực hiện việc xin lỗi cá nhân, tổ chức theo quy định tại Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ năm, chỉ đạo cấp phó và người đứng đầu đơn vị trực thuộc định kỳ 3 tháng tổ chức đối thoại với cá nhân, tổ chức về TTHC, giải quyết TTHC; kịp thời có biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. Trường hợp xét thấy cần thiết, giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã trực tiếp đối thoại với cá nhân, tổ chức về TTHC, giải quyết TTHC.
Thứ sáu, chỉ đạo bố trí và bảo đảm đầy đủ kinh phí để triển khai các hoạt động cải cách TTHC.
Chỉ thị cũng nhấn mạnh, kết quả cải cách TTHC là cơ sở để xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Theo H.X/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn