Chi nhánh Ngân hàng No&PTNT Hà Tĩnh, dư nợ cho vay đạt 10.600 tỷ đồng, chiếm giữ hơn 30% thị phần tín dụng trên địa bàn. Thế nhưng, so với kế hoạch đặt ra trước đó (11%) thì mức độ tăng trưởng của chi nhánh mới chỉ đạt 2,1%, đạt 1/5 kế hoạch và chưa bằng 1/2 cùng kỳ năm 2016. Cho đến nay, Agribank đã vận dụng nhiều giải pháp để “kéo” hoạt động cho vay, từ phát động thi đua tăng trưởng tín dụng trong toàn hệ thống, tăng cường tìm thị trường đầu tư, phát triển cho vay cá nhân và tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho sản xuất…
Ngân hàng tập trung các giải pháp để tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm.
“Nút thắt” nằm ở chỗ nền sản xuất gặp khó, gần như mọi hoạt động cũng ngưng trệ theo. Bài toán thị trường chăn nuôi lợn chưa có lời giải, giá cả các sản phẩm nông nghiệp xuống thấp, không ổn định… Thậm chí, một nguồn tiền không nhỏ sau khi nhận chi trả đền bù sự cố môi trường biển cũng được người dân đem… trả nợ ngân hàng là chính thay vì đầu tư sản xuất. Chi nhánh này đang tiếp tục đẩy mạnh cho vay, tuy nhiên, nhận định vẫn cho rằng, mức độ tăng trưởng tín dụng tùy thuộc vào nền kinh tế của địa phương.
Trong nửa năm qua, cho vay khách hàng cá nhân đã “kéo điểm” cho Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) Hà Tĩnh. Mức tăng trưởng đối với lĩnh vực này là 18%, ngân hàng này đang kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng mà ngân hàng trung ương giao (20%). Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Vietcombank Hà Tĩnh cho biết: “Dư nợ đến 21/6 đạt 3.534 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt gần 10%. Với lộ trình này, Vietcombank khả năng sẽ đạt được kế hoạch giao vào cuối năm nay. Hiện tại, chi nhánh đang tập trung tìm kiếm khách hàng, đầu tư cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất; tăng mạnh vào lĩnh vực y tế… Bên cạnh đó, thực hiện các lãi suất cạnh tranh theo đúng quy định của NHNN để tạo niềm tin thu hút khách hàng”.
Phân tích thêm về dư địa tín dụng hiện tại, Vietcombank cho rằng, việc giữ được “phong độ” tăng trưởng đến cuối năm là một thử thách lớn. “Thường vào quý II, quý III, dư nợ trong lĩnh vực xây lắp sẽ tăng cao, đẩy cao tốc độ tăng trưởng tín dụng. Thế nhưng, hoạt động này đến nay vẫn im ắng. Trong khi đó, các dự án trọng điểm không còn sôi động như trước, sản xuất chưa phục hồi… Bức tranh tăng trưởng tín dụng chưa có gì sáng sủa” - ông Tuấn cho biết thêm.
Trước sức ép của tốc độ tăng trưởng, nhiều ngân hàng đang “lên dây cót” cho cuộc chạy đua cuối năm. Bằng nhiều giải pháp, có ngân hàng thì bằng các gói tín dụng ưu đãi, có nơi lại “ép” chỉ tiêu để mở rộng mạng lưới tín dụng. NHNN, chi nhánh tỉnh nhất quán tập trung mọi nỗ lực để tăng trưởng dư nợ nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn vay hiệu quả. Trong đó, tập trung cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên, cho vay hỗ trợ lãi suất theo các chương trình của Chính phủ và UBND tỉnh. Tất nhiên, tăng trưởng không phải bằng mọi giá mà kiểm soát tín dụng một cách chặt chẽ, nghiêm túc theo chính sách tiền tệ của Thống đốc NHNN và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Bởi lẽ, mục tiêu lớn nhất của tăng trưởng tín dụng chính là tăng trưởng kinh tế địa phương.
Theo Nguyễn Oanh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn