Cùng dự họp có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Đặng Quốc Khánh, Nguyễn Hồng Lĩnh.
Dự kiến khả năng nguồn vốn đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 của tỉnh Hà Tĩnh khoảng 20 nhìn tỷ đồng, được cân đối và huy động theo 4 nhóm gồm: vốn ngân sách Trung ương (vốn trong nước), vốn ngân sách địa phương (bao gồm ngân sách tập trung, tiền đất, nguồn tăng thu đưa vào cân đối ngân sách địa phương), vốn trái phiếu Chính phủ và vốn nước ngoài (ODA).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh: Cần mạnh dạn cắt giảm những dự án nợ kéo dài nhiều năm, ưu tiên những dự án cấp bách, cần thiết phát triển kinh tế, phục vụ cho đời sống dân sinh. |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành rà soát các dự án đầu tư trên địa bàn. Quá trình rà soát đã tiến hành xác định cụ thể về nợ đọng xây dựng cơ bản, khối lượng đã triển khai nhưng chưa bố trí đủ nguồn để thanh toán; nhu cầu và mức vốn cần bố trí cho các dự án chuyển tiếp để hoàn thành, phát huy hiệu quả; xác định và sắp xếp thứ tự ưu tiên đối với các dự án đề xuất khởi công mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, trong đề án nước sạch cần làm rõ hơn về mục tiêu, hiệu quả của nguồn vốn đầu tư cho các công trình. |
Tham gia góp ý về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, các đại biểu nhất trí việc cần thiết lựa chọn đầu tư những công trình, dự án thật sự cấp bách, cần thiết; những công trình phục vụ đời sống dân sinh, y tế, văn hóa giáo dục; nâng cấp, đầu tư cho các đô thị và huyện mới Kỳ Anh...
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Tú Anh: Việc thực hiện đầu tư công trung hạn 2016-2020 trên tinh thần là phân cấp nguồn vốn và phân cấp quản lý dự án. |
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng, nhu cầu đầu tư giai đoạn 2016-2020 rất lớn, nhất là nhu cầu vốn cho các dự án hoàn thành, trả nợ và tạm ứng, các dự án chuyển tiếp giai đoạn 2016-2020; các dự án đề xuất mới và vốn thực hiện các chương trình đầu tư phát triển theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh… Trong khi dự kiến khả năng nguồn vốn hạn hẹp (chỉ tăng bình quân hàng năm 10% so với năm trước), mới đáp ứng khoảng 15-20% nhu cầu. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, cần phải giải được bài toán huy động nguồn lực, bố trí, cơ cấu như thế nào để thực hiện đầu tư công hiệu quả.
Cũng trong buổi sáng, đại biểu được nghe Giám đốc Sở NN&PTNT Đặng Ngọc Sơn báo cáo “Tiêu chí và chính sách khuyến khích xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2016-2020” và đề án “Cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn, tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020”.
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) Nguyễn Trí Lạc: Cần làm rõ kế hoạch phân bổ vốn Trung ương, vốn ngân sách địa phương cho từng hạng mục, công trình. Các huyện, ngành rà soát lại các công trình thực sự cấp bách, cần thiết để đưa vào kế hoạch đầu tư. |
Về đề án nước sạch, theo định hướng quy hoạch đến năm 2020, toàn tỉnh có 100% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 80% người dân được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn QCVN 02/BYT của Bộ Y tế với số lượng ít nhất 80 lít/người/ngày, đêm.
Đây là một yêu cầu rất lớn, trong khi đến hết năm 2015 toàn tỉnh mới có 39,20% người dân nông thôn được sử dụng nước đạt tiêu chuẩn quốc gia về nước sinh hoạt; công tác quản lý, khai thác vận hành công trình sau đầu tư còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế dẫn đến một số công trình chưa phát huy hết hiệu quả...
Trước những yêu cầu và thách thức nói trên, đề án cũng đã phân tích, làm rõ quy trình đầu tư xây dựng, quản lý phù hợp, nhằm phát huy hiệu quả các công trình đã có, đồng thời khuyến khích, huy động nguồn lực của toàn xã hội, của các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn phát biểu chỉ đạo cuộc họp |
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầu tư công. Việc phân bổ nguồn phải thật sự khách quan, khoa học; mạnh dạn cắt bỏ những công trình dự án không hiệu quả hoặc hiệu quả không cao để tập trung đầu tư cho những dự án thực sự cấp bách, cần thiết, hiệu quả.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, bên cạnh lựa chọn công trình, dự án để đầu tư, phân bổ nguồn cần làm tốt việc huy động nguồn lực, xã hội hóa đầu tư, xây dưng các công trình.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương đề xuất phương án các công trình, hạng mục cần đầu tư theo thứ tự ưu tiên để Sở KH&ĐT hoàn thiện báo cáo tổng hợp. Sở KH&ĐT xây dựng báo cáo ngắn gọn, rành mạch, dễ hiểu hơn; giải thích, làm rõ nợ đọng xây dựng cơ bản, công trình nào sẽ chấm dứt, công trình nào tiếp tục.
Về đề án nước sạch nông thôn, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, yếu kém trong thời gian qua là do công tác quản lý. Vì vậy, đề án cần xây dựng được cơ chế đầu tư, quản lý mới, hiệu quả hơn nhằm phát huy các công trình đã có, khuyến khích đầu tư xây dựng mới các công trình theo hình thức xã hội hóa...
Theo Thanh Hoài/baohatinh.vn