Hôm nay (18/10), Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh ký ban hành Công điện số 20/CĐ-UBND yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thế cấp tỉnh; UBND các huyện/thành phố/thị xã; các công ty thủy nông, thủy điện (Hố Hô, Hương Sơn); các cơ quan, đơn vị liên quan về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa, lũ và ứng phó khẩn cấp với bão số 7.
Các đơn vị LLVT giúp Trường Tiểu học Gia Phố dọn vệ sinh sau lũ
Công điện nhấn mạnh, đợt mưa lũ vừa qua gây thiệt hại rất lớn đến tài sản tại tất cả các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh, trong khi hiện cơn bão số 7 đang hoạt động trên Biển Đông (đây là cơn bão mạnh, có sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 16 và còn có khả năng mạnh thêm) với diễn biến của bão còn hết sức phức tạp và khó lường, không loại trừ có khả năng vẫn có thể ảnh hưởng đến địa bàn Hà Tĩnh; ngoài ra, trên khu vực Tây Thái Bình Dương, cơn bão Haima đang hoạt động và có khả năng sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến Biển Đông. Nếu Hà Tĩnh tiếp tục chịu tác động của các cơn bão trong thời gian tới thì đây là tổ hợp thiên tai hết sức bất lợi, tác động lớn đến tình hình đời sống, sản xuất của nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Thực hiện Công điện số 1829/CĐ-TTg ngày 16/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 30/CĐ-TW ngày 17/10/2016; để chủ động ứng phó với bão số 7 và khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra trên địa bàn tỉnh; rút kinh nghiệm những tồn tại trong công tác chỉ huy điều hành và ứng phó với mưa lũ xẩy ra trong thời gian vừa qua và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại cuộc họp triển khai đối phó với mưa lũ và bão số 7, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn với trách nhiệm là người đứng đầu khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung sau.
Đối với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc nội dung các Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 12/10/2016 và 19/CĐ-UBND ngày 15/10/2016 của UBND tỉnh; khẩn trương huy động nguồn lực để khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua ngay sau khi nước rút; trong đó cần tập trung huy động lực lượng tại chỗ tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người bị thiệt mạng, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm; tuyệt đối không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men. Tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, chủ động hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt đảm bảo hợp vệ sinh, không để bùng phát dịch bệnh do lũ; tổ chức dọn vệ sinh trường lớp để sớm đưa học sinh trở lại trường, khắc phục các công trình cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi, điện, khôi phục sản xuất.
Các địa phương ven biển chủ động phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh, Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển, chính quyền địa phương cơ sở kiểm soát, nắm chắc số lượng tàu thuyền; thông báo cho các chủ phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh đồng thời phải giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xây ra. Tùy theo diễn biến cụ thể của bão để cấm tàu thuyền ra khơi, cấm biển nhằm hạn chế thiệt hại. Tổ chức bố trí, sắp xếp tàu thuyền tại nơi neo đậu an toàn; kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, các chòi canh nuôi trồng thuỷ sản và khu du lịch, bến cảng khi bão đổ bộ vào bờ.
Chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường đang thi công dang dở, đề phòng mưa lớn gây sạt lở, làm ách tắc giao thông; cử người trực và hướng dẫn giao thông tại các khu vực xung yếu như: ngầm qua suối, đường bị ngập, đò ngang, dò dọc..., nghiêm cấm vớt củi, đánh bắt cá ở những khu vực lũ nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân; tránh lơ là, chủ quan trong mưa, lũ, để xảy ra những tại nạn chết người do bất cẩn. Căn cứ tình hình bão, lũ xảy ra trên địa bàn, chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn;
Tổ chức kiểm tra, rà soát các công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn. Khẩn trương triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập; đặc biệt là các hồ chứa vừa và nhỏ đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, các hồ chứa đã đầy hoặc gần đầy nước; các hồ chứa đang thi công sửa chữa và các tuyến đê xung yếu, đê đang thi công. Yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã có công trình hồ đập và đê điều phải tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố (nếu có) ngay từ giờ đầu; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực để xử lý khi có tình huống xấu xẩy ra; đặc biệt tại các vị trí xung yếu.
Các địa phương có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt và các địa phương ở hạ du hồ chứa công trình thuỷ điện Hố Hô, các hồ chứa thủy lợi lớn như: Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên, Sông Rác - Kim Sơn và thượng Sông Trí chủ động, sẵn sàng các phương án theo phương châm “4 tại chỗ” (lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm, phương tiện, lực lượng...) để ứng cứu và sơ tán dân đến nơi an toàn khi có mưa, lũ lớn xảy ra; đề phòng bị chia cắt, cô lập dài ngày và đảm bảo an toàn cho nhân dân khi các hồ xả lũ.
Giám đốc Sở NN&PTNT tổ chức kiểm tra, rà soát các công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn toàn tỉnh; trường hợp cần thiết cử các cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống địa phương để hỗ trợ, hướng dẫn triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình.
Trực tiếp tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh chỉ đạo vận hành, điều tiết xả lũ các hồ chứa trọng điểm, đặc biệt là xả lũ liên hồ công trình thuỷ lợi Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên tuân thủ quy trình để đảm bảo an toàn cho công trình và hạn chế ngập lụt vùng hạ du.
Chuẩn bị dự phòng các loại giống, phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp để kịp thời khắc phục hậu quả sau mưa, lũ.
Giám đốc Sở Công Thương tổ chức kiểm tra, chỉ đạo công tác vận hành, xã lũ của các Nhà máy thuỷ điện trên địa bàn, trong đó đặc biệt lưu ý việc vận hành xả lũ của Nhà máy thủy điện Hố Hô; yêu cầu phải điều tiết xả lũ phù hợp, vừa đảm bảo an toàn cho công trình, vừa an toàn cho nhân dân vùng hạ du; trường hợp cần thiết phải tổ chức kiểm tra, rà soát lại quy trình vận hành của nhà máy báo cáo UBND tỉnh đề nghị Bộ Công thương điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế.
Chuẩn bị đầy đủ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm thiết yếu để hỗ trợ các địa phương khi có lệnh; có phương án đảm bảo an toàn hệ thống điện, duy trì nguồn điện phục vụ tiêu úng, vận hành tràn xả lũ hồ chứa trọng điểm.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải triển khai phương án đảm bảo giao thông trên các trục giao thông chính, chuẩn bị phương tiện, vật tư để khắc phục các sự cố sạt lở khi mưa lũ gây ra; đặc biệt chú trọng hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện ở các tuyến đường đang thi công dang dỡ, các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ bị ngập thuộc phạm vi quản lý; đồng thời chỉ đạo các địa phương triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông khi bão và mưa, lũ xảy ra.
Ban Quản lý các Khu kinh tế tỉnh tổ chức phân công chỉ huy, điều hành triển khai các phương án đối phó với bão đến tận các đơn vị thuộc địa bàn các Khu kinh tế nhằm đảm bảo an toàn cho lực lượng lao động, phương tiện trên công trường và cơ sở hạ tầng, tài sản trên địa bàn Khu kinh tế; nắm chắc tình hình và phối hợp với các lực lượng của tỉnh và địa phương để chủ động triển khai ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.
Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động chi viện cho các địa phương trong việc sơ tán dân, ứng phó bảo vệ đê điều hồ đập và công trình xung yếu, đảm bảo an ninh trật tự và chủ động triển khai phương án PCTT-TKCN. Theo dõi diễn biến của bão, tổ chức lập các Sở chỉ huy tại các địa phương có khu vực xung yếu, trọng điểm bão, lũ để chủ động sẵn sàng ứng cứu.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Viễn thông tỉnh, Bưu điện tỉnh, Viettel Hà Tĩnh chủ động các phương án đảm bảo thông tin liên lạc, phục vụ tốt công tác chỉ huy, điều hành trong bão, lũ; có các phương án dự phòng, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong bão, lũ. Đồng thời có các biện pháp để truyền các thông tin quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân qua hệ thống tin nhắn của điện thoại di động.
Đài Khí tượng thuỷ văn Hà Tĩnh theo dõi thường xuyên diễn biến của bão, cập nhật tình hình mưa, lũ và phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình, Báo Hà Tĩnh kịp thời đưa tin về diễn biến của bão số 7 cho các cấp, các ngành và nhân dân biết để chủ động phòng tránh có hiệu quả.
Các Sở, ngành, tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh theo chức năng nhiệm vụ của mình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai biện pháp đối phó và khắc phục hậu quả do bão lũ gây nên; đồng thời tổ chức huy động lực lượng thanh niên tình nguyện giúp các địa phương tổ chức khắc phục hậu quả mưa, lũ kịp thời sớm ổn định đời sống, sản xuất và sinh hoạt trở lại bình thường.
Các chủ đầu tư, các BQL dự án chỉ đạo các nhà thầu đang thi công các công trình XDCB phải huy động lực lượng, xe máy tập trung thường trực tại hiện trường 24/24h để chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình; đặc biệt là đối với các khu vực trọng điểm như: Khu kinh tế Vũng Áng, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và các công trình giao thông, thủy lợi, đê điều và phòng chống lụt bão đang thi công dở dang.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các công trình trọng điểm: Hồ Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên; Sông Rác - Kim Sơn và thượng Sông Trí, đê La Giang, Khu kinh tế Vũng Áng, Nhà máy Thuỷ điện Hố Hô và Nhà máy Thuỷ điện Hương Sơn theo chức năng, nhiệm vụ chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn cho công trình; đối với các công trình hồ chứa (thủy lợi, thủy điện) yêu cầu trước khi xã lũ phải xin ý kiến và được sự thống nhất cao giữa chủ công trình với chính quyền địa phương để vừa đảm bảo an toàn công trình, hạn chế đến mức tối đa thiệt hại vùng hạ du.
Chủ tịch UBND tỉnh giao các Trưởng Đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác PCTT-TKCN tại các địa phương (theo Quyết định số 1074/QĐ-UBND ngày 06/5/2016 của UBND tỉnh) và thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh ngay từ sáng 18/10/2016, trực tiếp xuống cơ sở để đôn đốc, chỉ đạo triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả của mưa, lũ và đối phó với cơn bão; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh theo địa bàn được phân công; báo cáo kết quả về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh hàng ngày và đột xuất.
Đề nghị các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách các huyện, thành phố, thị xã và các đồng chí thành viên Đoàn công tác của Tỉnh ủy phối hợp với các Đoàn công tác của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh trực tiếp các địa phương chỉ đạo triển khai kịp thời các nội dung công điện này.
Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh, các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến huyện, xã, phường thường xuyên thông báo diễn biến của bão, mưa lũ và chỉ đạo của các cơ quan chức năng để các tổ chức, cá nhân toàn tỉnh biết để chủ động phòng tránh.
Đề nghị UBMTTQ, các tổ chức đoàn thể các cấp chỉ đạo, vận động các Hội viên, Đoàn viên tích cực chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với diễn biến của bão, lũ và khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai. Yêu cầu các địa phương, các Sở, ngành dừng ngay các cuộc họp, mít tinh kỷ niệm chưa thật sự cần thiết để tập trung cho công tác chỉ đạo ứng phó với bão, khắc phục hậu quả mưa, lũ. Duy trì chế độ trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của bão, lũ báo cáo kịp thời về UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh.
Giao Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh tổ chức theo dõi, tổng hợp diễn biến của bão, mưa lũ; đôn đốc các Sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp đối phó với bão, khắc phục hậu quả mưa lũ; kịp thời báo cáo UBND tỉnh và tham mưu chỉ đạo xử lý các tình huống cấp bách.
Theo H.X/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn