Sau Cách mạng tháng 8 thành công, để tạo sự đoàn kết, thống nhất về tư tưởng và tổ chức trong toàn Đảng bộ, ngày 20/10/1945, Tỉnh ủy lâm thời Hà Tĩnh đã mở lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên. Tiếp đó, ngày 12/12/1945, Đại hội Đảng bộ tỉnh quyết định tiếp tục mở lớp huấn luyện chính trị và lấy tên là “Lớp chính trị Trần Phú”; từ đó, Trường Chính trị Trần Phú ra đời.
Từ đó đến nay, trải qua các giai đoạn lịch sử với nhiều khó khăn, thử thách nhưng dù ở giai đoạn cách mạng nào, cán bộ, đảng viên, công chức Trường Chính trị Trần Phú cũng đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt khó khẳng định vị trí quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Từ năm 1991 đến nay, Trường Chính trị Trần Phú đã mở 405 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 37.465 học viên; thực hiện 25 đề tài khoa học; biên soạn 8 giáo trình đào tạo; 6 chương trình và tài liệu bồi dưỡng; tổ chức nhiều hội thảo khoa học; xuất bản 60 số kỷ yếu khoa học và phát hành 45 số nội san nhà trường.
Phát huy truyền thống, thời gian tới, đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Trần Phú không ngừng xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên vững mạnh; phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trong công tác đào tạo, bồi dưỡng từ tuyển sinh đến đánh giá kết quả...
Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Nam Hồng trao tặng bức trướng của Tỉnh ủy cho lãnh đạo nhà trường |
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Nam Hồng biểu dương và ghi nhận những thành quả mà Trường Chính trị Trần Phú đã đạt được trong những năm qua, đồng thời chỉ ra một số mặt còn hạn chế cần khắc phục như: phương châm lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành trong giảng dạy chưa được quán triệt và thực hiện một cách nghiêm túc; nội dung, chương trình, đào tạo, bồi dưỡng còn nặng về lý luận, chưa chú trọng đến năng lực lãnh đạo, quản lý; phương pháp giảng dạy chậm được đổi mới; hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn phục vụ giảng dạy và học tập chưa được quan tâm đúng mức…
Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ nói chung, cán bộ cơ sở nói riêng là vấn đề có vị trí chiến lược, là yêu cầu cấp bách hiện nay trong việc đổi mới công tác cán bộ. Để đáp ứng yêu cầu đào tạo bồi dưỡng trong tình hình mới, đề nghị tập thể cán bộ, giảng viên và các thế hệ học viên nhà trường tiếp tục đoàn kết, chung sức chung lòng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nhà trường cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp đối với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; làm tốt công tác tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng bảo đảm quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng gắn với yêu cầu nhiệm vụ chính trị và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chủ động mở rộng liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện đào tạo theo yêu cầu, đáp ứng yêu cầu bổ sung, phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh.
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn