Các đại biểu dự Hội thảo
Báo cáo đề dẫn và các ý kiến tham luận đánh giá cao tiềm năng du lịch của tỉnh Hà Tĩnh. Với gần 137 km đường bờ biển, Hà Tĩnh có nhiều bãi tắm đẹp như Xuân Thành (huyện Nghi Xuân), Thạch Hải (huyện Thạch Hà), Thạch Bằng (huyện Lộc Hà), Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên)… và có nhiều hải sản, là thế mạnh để phát triển du lịch biển. Hà Tĩnh có nhiều di tích, danh thắng, là vùng đất có nhiều danh nhân… là điều kiện phát triển du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng.
Những năm gần đây, Hà Tĩnh đã thu hút được nhiều dự án của các doanh nghiệp lớn như Mường Thanh, Vingroup, Công ty cổ phần Hồng Lam Xuân Thành… Toàn tỉnh hiện có hơn 300 cơ sở lưu trú, trong đó có 01 khách sạn và 01 khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 5 sao, 02 khách sạn 4 sao, 08 khách sạn 3 sao, 25 khách sạn 02 sao, 42 khách sạn 01 sao. Quý I năm 2019, Hà Tĩnh đón 268.000 lượt khách đến tham quan, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, du lịch Hà Tĩnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, tăng trưởng thiếu vững chắc, lượng khách quốc tế chiếm tỷ trọng thấp, mức chi tiêu của khách du lịch nhìn chung còn thấp. Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch còn thiếu, trình độ chuyên môn, tay nghề chưa cao. Sản phẩm du lịch, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn đơn điệu, ít được đổi mới, chưa thực sự tạo được sức hút đối với du khách.
Từ thực tiễn đó, Hội thảo “Kết nối đầu tư phát triển du lịch Hà Tĩnh” được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế và các chính sách thu hút đầu tư du lịch của Hà Tĩnh để kết nối các doanh nghiệp trong, ngoài nước có nguyện vọng đầu tư phát triển du lịch Hà Tĩnh; nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển du lịch trong thời gian tới.
Hội thảo đã nhận được 26 bài tham luận của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp du lịch tập trung vào các nội dung: Tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi phát triển du lịch của Hà Tĩnh; xây dựng và phát triển các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc thù và sản phẩm mới; đào tạo phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, xúc tiến, mở rộng thị trường, liên kết du lịch trong nước và quốc tế; những kinh nghiệm phát triển du lịch của các địa phương trong khu vực, trong nước và ngoài nước; những khó khăn, vướng mắc, cơ hội và thách thức trong thu hút đầu tư phát triển du lịch…
Nhiều ý kiến đề xuất, để phát triển du lịch Hà Tĩnh tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vai trò của ngành du lịch; rà soát, bổ sung quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển du lịch; thu hút nhà đầu tư, kêu gọi xã hội hóa lĩnh vực du lịch; tập trung phát triển sản phẩm du lịch chủ lực; xây dựng các tour du lịch trọng điểm; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch; liên kết phát triển du lịch, hợp tác quốc tế…
Nhân dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giới thiệu một số dự án du lịch, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào du lịch Hà Tĩnh; tổ chức ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư: Tập đoàn T&T đăng ký đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí đảo Xuân Giang 2 (huyện Nghi Xuân) và dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ biệt thự sinh thái Nam Cầu Phủ (thành phố Hà Tĩnh); Công ty Vietravel đăng ký đầu tư và mở văn phòng đại diện tại Hà Tĩnh.
Nguyễn Thị Nga, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
https://hatinh.dcs.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn