Những chú bê con được chăn nuôi tại trang trại bò sữa Vinamilk ở Hương Sơn
3 năm lại nay bà Trần Thị Hồng (thôn 5 Sơn Lễ - Hương Sơn) không còn trong danh sách hộ nghèo của xã, nhờ sự hiện diện của Vinamilk. Bà Hồng cho biết: Nhà có 2 héc-ta đất canh tác nhưng một nửa bị bỏ hoang nên thu nhập rất bấp bênh. Từ khi có trang trại bò sữa, gia đình chuyển 2 ha đất sang trồng cỏ mombasa và trồng ngô nên không chỉ thoát nghèo mà còn dư dả tiền cho 4 đứa con ăn học".
Bà Trần Thị Hồng chỉ là một trong hàng trăm người dân Sơn Lễ và các xã lân cận khác đổi đời nhờ cung cấp thức ăn cho bò sữa
Chủ tịch UBND xã Sơn Lễ - Nguyễn Văn Duẩn cho biết: “Vinamilk thực sự đã tác động rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế của xã. Bởi từ khi trang trại trên địa bàn đã hình thành nên 25 tổ hợp tác với hàng trăm người chuyên đảm nhận trồng ngô, trồng cỏ làm thức ăn cho bò, với mức thu nhập cao hơn hẳn so với trồng lúa và rau màu”.
Bên cạnh tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho 90 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng, mỗi năm còn có hơn 30 lao động thời vụ được huy động để phục vụ đàn bò sữa hàng ngàn con.
Tháng 9/2014, trang trại chăn nuôi bò sữa Vinamilk Hà Tĩnh bắt đầu đón những “cư dân” đầu tiên. Đến đầu năm 2015 được lắp đặt dây chuyền công nghệ hiện đại của Canada, Thụy Điển, trang trại chính thức đi vào hoạt động, mở cánh cửa thoát nghèo cho người dân vùng phụ cận.
"Từ 400 con bò sữa đầu tiên được nhập từ Úc, đến nay, trang trại đạt 2.000 con. Hiện tại, trong khuôn viên 17 ha tại xã Sơn Lễ, chúng tôi có bò lấy sữa, bò mang thai, bò tơ và bê cái. Sản lượng sữa trung bình tại trang trại đạt 30 tấn/ngày, với giá bán 14.000 đồng/lít, thu về 420 triệu đồng/ngày” – Giám đốc Chi nhánh Vinamilk Hà Tĩnh - Đậu Phi Tú chia sẻ.
Ngoài việc tiêm phòng theo định kỳ cho số bò “cư trú” ở trang trại, “Vinamilk Hà Tĩnh còn phối hợp với các cấp chính quyền địa phương ngăn chặn dịch bệnh “từ xa”, bằng cách tiêm phòng 2 lần/năm đối với số bò sinh sống trong khu vực cách trang trại 3km (chi phí do Vinamilk đảm nhận). Bởi vậy, mặc dù những năm gần đây thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều nhưng khu vực xung quanh chưa xảy ra tình trạng bò bị bệnh” – ông Tú cho biết thêm.
Ông Lê Quang Hồ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho biết: “Tính đến thời điểm này, đã có hàng trăm ha diện tích đất bỏ hoang, diện tích trồng lúa, trồng màu kém hiệu quả ở các xã: Sơn Lễ, Sơn Tiến, Sơn Trung được chuyển sang trông ngô, cỏ mombasa chất lượng cao cho thu nhập gấp nhiều lần trồng lúa. Trong đó, 1 ha thân ngô non cho thu nhập 100 triệu đồng, còn 1 ha cỏ mombasa cho thu nhập lên đến 400 triệu đồng. Sự hiện diện của Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam - Chi nhánh Hà Tĩnh đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, tăng thu nhập cho nhiều người dân của Hương Sơn”.
Theo Hoài Nam/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn