Biển Thiên Cầm, Hà Tĩnh. Ảnh minh họa.
Bộ Xây dựng vừa phối hợp với 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình công bố chính thức Quy hoạch xây dựng vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình đến năm 2030 theo Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 2/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình đến năm 2030 sẽ có 18 đô thị lớn.
Mục tiêu của quy hoạch nhằm tạo ra một vùng kinh tế tổng hợp, tạo không gian liên kết kinh tế tại khu vực thuộc 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Đây là khu vực có tiềm năng khá lớn về phát triển công nghiệp nặng và cảng nước sâu, đồng thời cũng chính là đầu mối và cửa ngõ giao thông về đường bộ, đường thủy, trao đổi thương mại với nước bạn Lào.
Phạm vi quy hoạch toàn vùng 611.939ha; diện tích tự nhiên vùng Nam Hà Tĩnh 294.180ha, Bắc Quảng Bình là 317.759 ha.
Vùng kinh tế tổng hợp theo quy hoạch bao gồm 3 huyện của tỉnh Hà Tĩnh (Kỳ Anh, Hương Khê, Cẩm Xuyên) và 3 huyện cộng 1 thị xã của tỉnh Quảng Bình (Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa và thị xã Ba Đồn).
Về định hướng phát triển không gian, vùng kinh tế tổng hợp sẽ quy hoạch phát triển theo 3 vùng cụ thể.
Đối với hệ thống đô thị, dự kiến đến năm 2030, vùng kinh tế tổng hợp này sẽ có khoảng 18 đô thị lớn.
Trong đó, vùng Nam Hà Tĩnh sẽ có khoảng 10 đô thị, Bắc Quảng Bình có 8 đô thị.
Nam Hà Tĩnh sẽ phát triển 4 đô thị hiện có gồm Cẩm Xuyên, Thiên Cầm, Hương Khê và Kỳ Anh; Hình thành thêm 6 đô thị mới gồm Voi, Kỳ Đồng, Kỳ Lâm, Kỳ Ninh, Hoành Sơn và La Khê.
Vùng Bắc Quảng Bình sẽ phát triển 3 đô thị hiện có gồm Ba Đồn, Đồng Lê, Quy Đạt; Hình thành 5 đô thị mới gồm Quảng Phương, Hòn La, Tiến Hoá, Cha Lo – Bãi Dinh và Hoá Tiến.
Khu vực đồng bằng ven biển sẽ bao gồm các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh); Quảng Trạch, TX.Ba Đồn (Quảng Bình).
Tại khu vực này sẽ tập trung phát triển kinh tế biển: Xây dựng cụm cảng nước sâu; đầu tư phát triển du lịch biển và du lịch văn hóa; hình thành các vùng ngư nghiệp, khai thác và chế biến thủy hải sản…
Khu vực Trung du miền núi gồm các huyện Hương Khê (Hà Tĩnh); Tuyên Hóa, Minh Hóa (Quảng Bình).
Mục tiêu trọng tâm của khu vực này là phát triển khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo và các đô thị Hương Khê, Hóa Tiến, Đồng Lê, Quy Đạt, Cha Lo - Bái Dinh….
Đây là nơi tập trung công nghiệp khai khoáng, xi măng và vật liệu xây dựng, dịch vụ thương mại và du lịch.
Dự kiến, quy mô dân số toàn vùng kinh tế tổng hợp khoảng 1,2 triệu người vào năm 2030, trong đó dân đô thị chiếm khoảng 50%.
Đồng thời, đến năm 2030, tổng quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp toàn vùng dự kiến khoảng 7.670 ha.
Tập trung chủ yếu phát triển các trung tâm phát triển công nghiệp như Trung tâm công nghiệp Vũng Áng; Trung tâm công nghiệp Hòn La; Trung tâm công nghiệp xi măng; các cụm công nghiệp: Bắc Cẩm Xuyên; Hương Khê và Cha Lo.
theo bizlive
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn