Chủ tịch UBND xã Chu Đình Lưu nhớ lại, những năm 2002 về trước, Đức Quang có 1/3 diện tích đất bị lũ cuốn trôi. Bởi nơi đây là điểm hội tụ của sông Ngàn Sâu và sông Cả, cứ mỗi mùa mưa bão, nước từ thượng nguồn đổ về dồn ứ, khiến cho cả xã chìm trong biển nước, mọi công trình hạ tầng trôi theo dòng lũ, chẳng khác gì “dã tràng xe cát biển Đông”. Vì thế, số diện tích đất tự nhiên của xã chỉ còn lại chưa đầy 500ha, 1/3 dân số của xã phải xa quê hương vào các tỉnh phía Nam sinh sống.
Hệ thống đường giao thông ở Đức Quảng được xây dựng khang trang.
Khó khăn và thách thức
Chúng tôi trở lại Đức Quang vào một ngày giữa tháng Tư lịch sử, trong không khí rộn ràng của cả nước, người dân trong xã dường như cũng phấn khởi hơn, bởi năm nay, được thụ hưởng nhiều lợi ích từ chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Sau 4 năm XDNTM, đến nay, xã nghèo Đức Quang đã hoàn thành 7/19 tiêu chí. Đây quả là thành công bước đầu đáng khâm phục đối với Đảng bộ, nhân dân trong xã. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thanh Liêm nói: “Đức Quang còn 12 tiêu chí phải hoàn thành, đây quả là thách thức lớn đối với xã nghèo có nhiều không như: không chợ, không hàng quán giao thương, không có doanh nghiệp, không ngành nghề,… Tất cả chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhưng tôi tin, được sự quan tâm về nguồn tài chính của Trung ương, của tỉnh, huyện, các tổ chức xã hội, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, cộng với sự đóng góp của mỗi người dân, chắc chắn cuối năm 2017, Đức Quang sẽ đón nhận Bằng công nhận xã NTM, không thua kém bất kỳ địa phương nào trong huyện”.
Biết rằng, sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đức Quang là rất đáng trân trọng nhưng thực tế khó khăn và thách thức vẫn còn ở phía trước. Bởi Đức Quang thường xuyên phải gồng mình, hứng chịu mỗi năm mấy trận lũ quét. Sau lũ, người dân lại trắng tay, xây dựng lại từ đầu.
Mấy năm gần đây, được sự quan tâm, đầu tư của Trung ương, của tỉnh, huyện xây kè chống sạt lở bờ sông, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trở nên thuận lợi hơn, thu nhập bình quân từ mức 7-8 triệu đồng/người (năm 2002) tăng lên 22 triệu đồng/người hiện nay.
Phát triển kinh tế nhiều thành phần
Sau 4 năm XDNTM, diện mạo nông thôn nơi đây đã có những chuyển biến rõ rệt. Hiện, xã có 1 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 7 tổ hợp tác (1 tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản, 3 tổ hợp nuôi bò đàn, 3 tổ hợp dịch vụ làm đất). Các mô hình nuôi hươu, lợn vệ tinh, trồng lạc cao sản tập trung mang lại giá trị thu nhập cao, trong đó nổi bật là nuôi chim bồ câu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm của gia đình chị Dương Thị Vệ.
Về phong trào làm đường giao thông nông thôn, người dân xã Đức Quang hiến gần 20.000m2 đất, 7.250m hàng rào các loại, khai thác, dời dọn trên 10.000 cây xanh để thông tuyến. Nhờ phát động phong trào ra quân làm giao thông nên đến nay cả xã đã bê-tông hóa được 2,13km đường trục xã; 4,7km đường trục thôn; hơn 16 km đường mòn ngõ xóm, kiên cố hóa trên 75% kênh mương nội đồng, bê-tông hóa 2,2 km đường trục chính nội đồng, không còn cảnh “quê hương là đường đi ủng” như mọi người thường hay tếu táo.
Một góc cánh đồng của xã Đức Quang.
Riêng về công tác giáo dục, xã có 2 trường mầm non và tiểu học, cả hai cấp đều đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia giai đoạn 1; trạm y tế xã cũng được công nhận chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, sức mạnh đoàn kết của nhân dân là chìa khóa để Đức Quang từng bước cán đích NTM.
Khó khăn vẫn chồng chất ở xã nghèo vùng lũ, nhưng được sự quan tâm đầu tư của các cấp, sự đỡ đầu của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, con em xa quê, cùng với sự đồng thuận của toàn Đảng, toàn dân, chắc chắn cuối năm 2017, Đức Quang sẽ hoàn thành các tiêu chí NTM, nơi vùng lũ ấy sẽ khoác lên diện mạo mới, một nông thôn mới trên quê hương anh hùng, quê hương của cố Tổng bí thư Trần Phú - Đức Thọ mến yêu.
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn