Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến thời điểm này với người dân Hà Tĩnh, làm NTM từ yêu cầu đã trở thành nhu cầu, từ hi vọng trở thành khát vọng, từ nhận thức phải làm nay muốn được làm.
Huy động trên 82.000 tỷ đồng
Quay ngược thời gian về 6 năm trước, lúc bấy giờ dù Hà Tĩnh có triển khai phong trào bê tông hóa nông thôn, phá bỏ vườn tạp nhưng các vùng nông thôn vẫn rất nhếch nhác, hầu hết các phong trào thực hiện được một thời gian đều chìm vào quên lãng, kết quả hạn chế.
Đóng góp của BCĐ tỉnh, đặc biệt là văn phòng điều phối các cấp trong phong trào xây dựng NTM là rất lớn. |
Phải đến khi xây dựng NTM bộ mặt nông thôn Hà Tĩnh mới đổi mới toàn diện, đi vào chiều sâu. Nó không đơn thuần là những giá trị vật chất hiện hữu của những công trình, những mô hình… mà NTM đã thực sự đi vào nếp nghĩ cách làm, là thước đo cho chất lượng và mức độ hài lòng, sự thụ hưởng cuộc sống của mỗi người dân Hà Tĩnh.
Năm 2010 bình quân mỗi xã chỉ đạt 3,5 tiêu chí. Trong đó có đến 183 xã dưới 5 tiêu chí; 20 xã “trắng” tiêu chí nhưng đến cuối năm 2016, bình quân mỗi xã đạt 14,4 tiêu chí; số xã đạt chuẩn chiếm 36,5% trên toàn tỉnh; có 490 khu dân cư NTM kiểu mẫu và 18 xã đang xây dựng xã NTM kiểu mẫu.
Gần 14.000 mô hình sản xuất mới, thêm hàng ngàn tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp trên địa bàn nông thôn ra đời tạo đà cho SXNN tiếp tục tăng trưởng cao so với bình quân chung cả nước. Trong 6 năm, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM đạt trên 82.000 tỷ đồng, trong đó nguồn tín dụng 65.000 tỷ; xã hội hóa trên 8.000 tỷ đồng.
Bên cạnh huy động nguồn lực, các cơ chế chính sách hỗ trợ lãi suất của UBND tỉnh như 26, 09, 23, 33 với tổng số tiền cho vay gần 3.800 tỷ đồng, đã thực sự “nâng đầu đỡ cuối”, trở thành bà đỡ cho mỗi địa phương, để mỗi mô hình sinh lời, biến ước mơ thành sự thật.
Khí thế làm NTM hừng hực còn lan tỏa, kêu gọi được con em xa quê, các tổ chức trong và ngoài nước, các ngành, doanh nghiệp tham gia đỡ đầu, tài trợ thực hiện các tiêu chí. Đến thời điểm này, đã có trên 107 đơn vị trên địa bàn được UBND tỉnh giao, chấp thuận đỡ đầu cho 141 xã; các huyện, thành phố, thị xã kêu gọi được gần 700 tổ chức, cá nhân tài trợ với tổng kinh phí trên 700 tỷ đồng.
Một yếu tố cần nhấn mạnh là các xã đã đạt chuẩn không được phép ngừng nghỉ mà phải phấn đấu trở thành xã NTM kiểu mẫu. Sau một vài năm đạt chuẩn khi ban chỉ đạo tỉnh trở lại kiểm tra nếu xã không duy trì, nâng mức đạt chuẩn của các tiêu chí lên theo quy định thì sẽ rút bằng công nhận. Đây là cách Hà Tĩnh duy trì “máu” hăng say làm NTM ở cấp cơ sở. |
Chỉ riêng Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh, trong nhiều năm qua, bằng nhiều cách làm khác nhau cũng đã huy động hơn 50 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công giúp đỡ 41 xã dọc hai tuyến biên giới. Đây cũng là đơn vị góp phần quan trọng đưa Sơn Kim 1, Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn) trở thành những xã biên giới đầu tiên đạt chuẩn trong hơn 1.000 xã biên giới của cả nước...
5 chỉ tiêu chiến lược
Để có được thành quả đáng khích lệ như trên, phải khẳng định sự vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của văn phòng điều phối xây dựng NTM các cấp đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Họ là những người sẵn sàng lăn xả, không kể ngày nghỉ, thứ bảy, chủ nhật, thường xuyên đến tận hộ dân để “cầm tay chỉ việc”, phát hiện những vướng mắc, tiềm năng phấn đấu của địa phương để tham mưu giải pháp, cách làm cho BCĐ, chính quyền cấp trên. Điều phối các sở ngành, địa phương vào cuộc, tạo sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các đơn vị.
Theo thời gian, phong trào xây dựng NTM ở Hà Tĩnh chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu, bền vững; quan tâm đặc biệt đến đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân. Ngoài phát triển kinh tế, song song với đó là hoạt động văn hóa, thể dục thể thao. Bây giờ tên gọi nhà văn hóa thôn mới thực sự đúng nghĩa là nơi gắn kết cộng đồng dân cư, để mỗi buổi chiều người người tập hợp đánh bóng chuyền, cầu lông, ca hát... chứ không đơn thuần chỉ là địa điểm tổ chức các cuộc hội họp.
Với nhiều cách làm sáng tạo NTM Hà Tĩnh được BCĐ Trung ương đánh giá cao |
Ông Trần Huy Oánh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh từng nói rằng: “Với người dân Hà Tĩnh, làm NTM từ yêu cầu nay đã trở thành nhu cầu, từ hi vọng trở thành khát vọng, từ nhận thức phải làm nay muốn được làm”. Trên tinh thần đó, giai đoạn 2016 – 2020, Hà Tĩnh đặt ra 5 chỉ tiêu chiến lược theo thứ tự để phấn đấu gồm:
Thứ nhất, nâng mức độ đạt chuẩn của từng tiêu chí. Theo đó, bình quân mỗi tiêu chí tăng ít nhất 1,2 lần/năm.
Thứ hai, tăng số tiêu chí đạt chuẩn. Tức là mỗi xã bình quân tăng 1 tiêu chí/năm; đối với xã top dưới tăng ít nhất 2 tiêu chí/năm, thậm chí xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn phải tăng 8 – 10 tiêu chí/năm. Đối với xã đã đạt chuẩn thì mục tiêu là tăng mức độ đạt chuẩn.
Thứ ba, tỷ lệ số xã đạt tiêu chí thấp vượt qua ngưỡng thấp. Ví dụ, năm 2015 không còn xã dưới 8 tiêu chí, 2016 không còn xã dưới 9 tiêu chí thì 2017 phấn đấu không còn xã dưới 10 tiêu chí. Với chỉ tiêu này, 3 năm qua Hà Tĩnh đều đạt được.
Mục tiêu thứ tư là phấn đấu năm 2017 có thêm 24 xã đạt chuẩn NTM.
Cuối cùng là số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu với yêu cầu xã đó đạt chuẩn NTM cộng thêm 6 tiêu chí. Năm 2017 có 18 xã đăng ký đạt xã NTM kiểu mẫu, ngoài ra hàng năm tỉnh sẽ bổ sung thêm 20% số xã đăng ký đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong số xã đạt chuẩn NTM trong năm...
Có thể nói sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và mỗi người dân đã giúp Hà Tĩnh vượt qua sự cố môi trường biển, các đợt lũ chồng lũ năm 2016 để xây dựng NTM bền vững.
Bà Nguyễn Thị Vân, xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn phấn khởi: “Nhờ làm NTM mà dân chúng thôi thoát cảnh lội bùn đi chợ. Nhà văn hóa xây dựng khang trang, mô hình chăn nuôi, trồng trọt quy mô lớn mọc lên nhiều, từ đó đời sống vật chất, tinh thần tăng lên đáng kể”. |