Rác không được thu gom xử lý mà lại chất đống bên đường |
Mặc dù thời gian qua, huyện Lộc Hà đã tích cực thực hiện tiêu chí môi trường. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn còn thấp. Theo báo cáo của Phòng tài nguyên và môi trường, tháng 3/2013, chỉ có 01/13 xã đạt tiêu chí môi trường, còn lại chưa đạt.
Đặc biệt có 6 xã chưa đạt chỉ tiêu nào; 2 xã chỉ đạt 1/5 chỉ tiêu; 2 xã đạt 2/5 chỉ tiêu; 2 xã đạt 3/5 chỉ tiêu. Lý giải về vấn đề này, anh Lê Văn Thủy, Trưởng phòng tài nguyên và môi trường huyện Lộc Hà cho biết: “Thực hiện bộ tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thì tiêu chí về môi trường còn gặp nhiều khó khăn. Do đa số người dân nhận thức về sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường còn hạn chế. Thiếu kinh phí để thực hiện chương trình”.
Một trong những vấn đề được chính quyền địa phương quan tâm là xây dựng hợp tác xã và đội vệ sinh môi trường. Hiện nay, đã có 6 xã thành lập hợp tác xã vệ sinh môi trường: Thạch Châu, Thạch Kim, Thạch Bắc, Mai Phụ, Hộ Độ, Bình Lộc; 2 xã thành lập đội vệ sinh môi trường: Ích Hậu, Tân Lộc. Tuy nhiên, diện tích và khoảng cách của một số bãi rác tại các xã đông dân như Thạch Kim, Bình Lộc, Hộ Độ chưa đạt tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, có 5 xã chưa có hợp tác xã cũng như đội vệ sinh môi trường, đồng nghĩa là hàng ngàn hộ gia đình đang tự xử lý rác thải của gia đình. Một lý do quan trọng là tại huyện Lộc Hà đến nay chưa có bãi rác tập trung vì thế việc xử lý rác thải sinh hoạt tại tất cả các bãi rác nhỏ cũng như trong dân cư còn nhiều bất cập. Hầu hết là chôn, đốt nên môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân.
Nhân dân xã Thạch Kim thu gom rác thải khu vực biển |
Thạch Kim là địa bàn đất chật người đông, toàn xã có 2.160 hộ với 10.860 nhân khẩu nhưng diện tích chỉ có 262,17 ha, không có diện tích canh tác. Mặc dù xã đã thành lập hợp tác xã vệ sinh môi trường từ lâu. Mỗi ngày thu gom được hàng chục tấn rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, do diện tích đất hẹp nên bãi rác tập trung của xã chưa đạt tiêu chuẩn. Hàng ngày, hàng ngàn học sinh của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở cũng như hàng chục hộ gia đình sống gần bãi rác phải chịu cảnh hôi thối bốc ra từ bãi rác của xã.
Anh Nguyễn Văn Hảo cho biết: “Gia đình tôi sống ở đây từ lâu, trước đây không khí trong lành, mát mẽ nhưng sau khi bãi rác của xã được xây dựng gần nhà nên lúc nào cũng thấy mùi hôi, thối và ruồi, muỗi xuất hiện nhiều. Tội nhất là mấy đứa nhỏ, ban ngày gửi nhà trẻ nhưng tối về phải hít mùi hôi, thối từ bãi rác”.
Một trong những chỉ tiêu ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân trong tiêu chí môi trường là tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, chỉ tiêu này đạt thấp, mới chỉ có duy nhất xã Thạch Châu đạt.
Hiện nay, có khoảng 80% người dân sử dụng nước giếng khoan, còn lại là dùng nước giếng đào và nước mưa. Thời gian qua tại huyện Lộc Hà số người chết do bệnh ung thư ngày càng nhiều, số xã có người chết do ung thư nhiều nhất là Thạch Kim và Thạch Bằng. Nguyên nhân bị ung thư có phải do nguồn nước hay không thì chưa rõ nhưng tại 2 xã này do gần biển nên đã từ lâu nguồn nước bị nhiễm mặn. Những năm gần đây có khoảng 50% số người chết do ung thư.
Để hoàn thành Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới huyện Lộc Hà đã đề ra mục tiêu đến năm 2017, 100% xã đạt tiêu chí môi trường. Trước mắt, Lộc Hà đề ra một số giải pháp tháo gỡ những khó khăn như: hàng tháng vào ngày 5, toàn dân ra quân vệ sinh môi trường; xây dựng đề án quy hoạch các bãi tập kết rác của các xã; lập dự án xây dựng khu xử lý chất thải sinh hoạt tập trung toàn huyện tại xã Hồng Lộc, với diện tích 4,68 ha; đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch phục vụ 2 xã Thạch Kim, Thạch Bằng; bố trí quy hoạch mở rộng nghĩa trang xa dân; đẩy mạnh công tác xã hội hóa; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường, khuyến khích người dân xây dựng bể nước mưa để dùng.
Nhận rõ yếu điểm và tập trung khắc phục, hy vọng Lộc Hà sớm hoàn thành tiêu chí môi trường để góp phần nâng cao sức khỏe người dân./.
Thanh Loan
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn