Thời gian qua, việc thực hiện 5 nội dung của phong trào: xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh; thực hiện nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; phát triển kinh tế, giúp nhau xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng; xây dựng môi trường văn hoá sạch, đẹp, an toàn; xây dựng thiết chế văn hoá – thể thao ở cơ sở đã phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của các địa phương và nâng cao đời sống của nhân dân.
Ông Bùi Đức Hạnh - Giám đốc Sở VHTT&DL báo cáo kết quả hoạt động phong trào trong thời gian qua |
Bên cạnh đó, 7 phong trào của cuộc vận động gồm: Xây dựng người tốt, việc tốt; xây dựng gia đình văn hoá; xây dựng khu dân cư văn hoá; cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hoá; toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại; học tập, lao động, sáng tạo đều đạt được những bước chuyển biến mới.
Ông Bùi Nhân Sâm – Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh: Vai trò của BCĐ ở một số địa phương chưa rõ; công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ. |
Năm 2015, toàn tỉnh có 294.947/ 369.108 gia đình văn hoá (đạt tỷ lệ 79,91%); 1.388/2.140 thôn/tổ dân phố văn hoá (đạt tỷ lệ 64,86%); 205 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký xây dựng đơn vị văn hoá; 4 công trình đạt giải (1 giải Ba và 3 giải Khuyến khích) tại Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc; 3.433 dòng họ có quỹ khuyến học (đạt 84%); 32,1% người dân tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, 19,2% gia đình thể thao; hoạt động thể thao thành tích cao có nhiều khởi sắc với việc đạt 86 huy chương các loại tại các giải đấu trong và ngoài nước…
Ông Trần Huy Oánh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh cho rằng, hiện nay, hiệu quả hoạt động của một số nhà văn hoá thôn còn thấp. |
Hội nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong hoạt động của phong trào như: Việc chỉ đạo còn thiếu đồng bộ, liên tục và hệ thống; một số ban chỉ đạo cơ sở hoạt động còn lúng túng; việc bình xét công nhận gia đình văn hoá, tổ chức biểu dương, tôn vinh gia đình văn hoá tại một số địa phương còn chưa chặt chẽ; cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hoá, thể thao ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu…
Ban Chỉ đạo Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cấp tỉnh cũng đã triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như: Chỉ đạo BCĐ các cấp tiếp tục kết hợp chặt chẽ việc thực hiện phong trào với xây dựng NTM, xây dựng nếp sống văn minh, đô thị; tiếp tục chỉ đạo triển khai tốt công tác kiểm tra, phúc tra, công nhận, công nhận lại cơ quan, đơn vị, thôn, tổ dân phố, xã văn hoá trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2016; kiểm tra công tác chỉ đạo thực hiện phong trào tại các địa phương; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 – 2020”; tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2000 – 2015…
Tại cuộc họp, đại biểu các ngành, địa phương cho rằng: Cần phát huy tốt hơn vai trò của cơ quan thường trực cấp huyện, xã, vai trò thường trực của ngành văn hoá; UBND tỉnh sớm ban hành quy chế công nhận các danh hiệu văn hoá; BCĐ cấp tỉnh cần tham mưu UBND tỉnh quy hoạch xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao phục vụ nhu cầu của công nhân ở các khu công nghiệp; có chế tài xử phạt những hành vi vi phạm…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh: Cùng với xây dựng kinh tế, các ngành, địa phương và toàn thể nhân dân phải đặc biệt quan tâm đến phong trào TDĐKXDĐSVH.
Trong thực hiện 5 nội dung, 7 phong trào của cuộc vận động, cần sáng tạo, sâu sát tình hình thực tế hơn nữa nhằm xây dựng một môi trường sống và làm việc thực sự văn hoá.
Đề nghị thành viên BCĐ và các mặt trận, đoàn thể, chính quyền các cấp chỉ đạo sâu các nội dung của cuộc vận động gắn với xây dựng NTM và xây dựng đô thị văn minh. Gắn với đó là xây dựng con người Hà Tĩnh mới trí tuệ, văn hoá và nghĩa tình.
Theo Anh Hoài/baohatinh.vn