Người dân xã Hương Trà thu hoạch chè vụ mới.
Mang truyền thống của giai cấp công nhân, người dân ở đây đều có ý thức cao, lao động có kỷ luật và kỹ thuật, trình độ dân trí đồng đều. Nhờ đó, trong đề án sản xuất, phát huy lợi thế địa phương, việc xây dựng khu chè mẫu ở đây bước đầu đã đưa lại hiệu quả đáng kể.
Gia đình bà Cương, ông Diệu, xóm Tiền Phong đều là công nhân của Xí nghiệp chè 20-4, mặc dù đã đến tuổi về hưu nhưng họ vẫn nhận khoán thêm 2.500 m2 chè. Diện tích này đều nằm trong khu chè mẫu mà xã Hương Trà và xí nghiệp đang đầu tư để nâng cao năng suất, chất lượng trong quá trình triển khai thực hiện đề án sản xuất xây dựng nông thôn mới. Ông Phan Diệu cho biết thêm: Mấy chục năm gắn bó với người và đất Hương Trà, hình ảnh cây chè đã thật sự ăn sâu vào máu thịt của mình. Gắn bó với cây chè, dường như không chỉ bởi chuyện cơm áo gạo tiền mà hơn hết là một tình yêu trọn vẹn với mầu xanh của núi đồi hôm nay.
Là xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Hương Khê, điểm nhấn lớn nhất của Hương Trà là việc triển khai có hiệu quả đề án sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó, việc xây dựng khu chè mẫu được xem là một trong những vấn đề then chốt. Hương Trà có 192 ha đất trồng chè với hai loại giống chủ lực là PH1 và VDP2. Trong giai đoạn đầu, sẽ quy hoạch vùng trọng điểm tại xóm 4 và xóm 7 để xây dựng 30ha chè mẫu. Tại đây, xã đã trích ngân sách hỗ trợ để hoàn thiện hệ thống đường giao thông, đầu tư phân bón hữu cơ để các hộ thâm canh, tăng năng suất, đầu tư kinh phí cho hệ thống công trình thủy lợi, bể thẩm thấu và hệ thống cây tạo bóng mát cho chè. Trưởng phòng kế hoạch - kỹ thuật của xí nghiệp chè 20-4 Lê Xuân Sơn khẳng định: Với 60 hộ tham gia, trung bình mỗi hộ có khoảng 5.000 m2, được giao đất lâu dài, xí nghiệp sẽ trực tiếp bao tiêu đầu ra cho sản phẩm chè của người dân. Qua gần hai năm thực hiện, so sánh tương quan trên một đơn vị diện tích, trung bình mỗi ha chè cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Năng suất tăng, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đây đều là những sản phẩm chè sạch, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Là người đã từng bươn chải làm ăn nơi đất khách xứ người, hơn ai hết, chị Dương Thị Khánh thấu hiểu những nỗi nhọc nhằn của những người con ly hương. Tám năm về lại quê hương lập nghiệp là chừng ấy thời gian chị gắn bó với đồi chè. Từ nửa ha này, thu nhập ổn định mỗi năm 40 triệu đồng, chắt chiu thu vén gom góp, chị đã có một cơ ngơi đàng hoàng, các con có điều kiện học hành ổn định. Chị cho biết: "Tham gia khu chè mẫu, tôi nhận thức rằng, cây chè giờ đây không những xóa đói, giảm nghèo mà đã và đang là cây vươn lên làm giàu cho người dân miền sơn cước này.
Với người dân xã Hương Trà, nhắc đến Hương Trà là người ta nghĩ đến đồi chè. Thế hệ cha rồi con, không ít gia đình đã gắn bó với chè, làm giàu từ chè. Những đổi thay trên quê hương nông trường chè hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của những nguồn thu từ sản phẩm chủ lực này. Phó Bí thư Ðảng ủy xã Hương Trà Phạm Thế Hòa tự hào: Người dân Hương Trà với truyền thống của những làng công nhân có ý thức và tổ chức kỹ thuật cao, cho nên việc bắt nhịp sản xuất hàng hóa không mấy khó khăn. Thị trường chè sạch với nhu cầu đang lớn, xí nghiệp sẵn sàng bao tiêu hết sản phẩm cho bà con nông dân. Nhiều chính sách hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhất là Quyết định số 23 của UBND tỉnh về khuyến khích phát triển sản xuất chè công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 - 2015 thật sự đã mang lại niềm vui cho người dân Hương Trà hôm nay.
Xây dựng khu chè mẫu, phát triển thêm nhiều giống chè mới, tập trung nâng cao năng suất và chất lượng tại các vùng chè truyền thống là những hướng đi song hành đang được Hương Trà chú trọng. Trước mắt, không chỉ là chuyện giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 800 lao động tại địa phương, cải thiện và ổn định đời sống của người làm chè, mà quan trọng hơn còn góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ rừng đầu nguồn tại huyện Hương Khê một cách có hiệu quả nhất.
Thuận Huế
Nguồn nhandan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn