Ảnh minh hoạ
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 của ngành diễn ra ngày 30/6 tại Hà Nội.
Đánh giá về kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2017, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn về thị trường và diễn biến thời tiết bất lợi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhưng các chỉ tiêu cơ bản của ngành vẫn đảm bảo tiến độ Chính phủ đề ra.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2107, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 2,65%; xuất khẩu nông lâm, thuỷ sản đạt 17,1 tỷ USD (các ngành hàng lớn đều đạt mục tiêu đề ra); Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt 31%. Có được kết quả này là do ngay từ cuối năm 2016, ngành đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị triển khai nhiệm vụ được giao và gắn trách nhiệm với từng cá nhân của mỗi ngành.Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ ra những tồn tại của ngành thời gian qua. Mặc dù, sức sản xuất lớn nhưng chuỗi giá trị lại không đạt, kém và thiếu bền vững trước các nguy cơ, rủi ro (thời tiết, thị trường). Bên cạnh đó, chưa hình thành được các chuỗi sản xuất khép kín cho từng ngành hàng; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn thấp. Ngoài ra, các đơn vị chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành; chất lượng đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, sự phối hợp giữa các đơn vị chưa đồng bộ...
Trong những tháng còn lại của năm 2017, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, dự báo ngành sẽ tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thị trường trong và ngoài nước. Do đó, mục tiêu tăng trưởng 3,05% là rất khó. Bên cạnh đó, ngành nhận thức rõ 2 khâu yếu nhất hiện này là chế biến và thị trường. Vấn đề này, Bộ đang phối hợp với các đơn vị liên quan để tập trung tháo gỡ.
Về mặt thị trường, Bộ sẽ tập trung phát triển thị trường trong và ngoài nước để làm sao nhằm mục tiêu không chỉ đạt 33 tỷ USD, mà còn sớm chấm dứt được tình trạng "được mùa mất giá", tăng giá trị cho người nông dân. Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá: thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi rất mong manh, và có nhiều dấu hiệu không tốt. Chăn nuôi lợn hiện chưa có dấu hiệu phục hồi, tái đàn chậm... trong khi đó, một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có kế hoạch tăng thêm sản lượng.
Cũng theo ông Vân, dự kiến tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi 6 tháng cuối năm vẫn có thể đạt 3%. Tuy nhiên, cần tổng hợp, đánh giá lại tình hình tái cơ cấu ngành. Việc này, Cục sẽ tổng hợp lại các hộ chăn nuôi tại các khu vực chăn nuôi để có báo cáo đánh giá chính thức và đưa ra khuyến cáo cho từng địa phương, rà soát lại vùng sản xuất. Ông Vân kiến nghị Bộ cần chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt hơn nữa, nhằm phát huy vai trò chính quyền địa phương. "Qua đợt "giải cứu" lợn vừa qua, có 4 - 5 tỉnh thực hiện tốt, phát huy vai trò chính quyền địa phương, thì tình hình nhanh ổn định, người chăn nuôi có chỗ dựa. Còn các tỉnh chỉ đạo yếu, không thật sự quyết liệt thì hiệu quả không cao" - ông Vân dẫn chứng.
Liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, xuất khẩu thịt hiện đang là bài toán khó không giải quyết ngay được. Tới đây Bộ sẽ tổ chức Hội nghị về xuất khẩu thịt gà; tiếp theo sẽ tổ chức một Hội nghị tại phía Bắc về xuất khẩu thịt lợn. Mục tiêu, là không chỉ nhắm tới thị trường Trung Quốc mà còn cả thị trường khác. Các sản phẩm gồm thịt lợn sữa, xuất khẩu nguyên con; ngoài ra, tiến tới chuẩn bị xuất khẩu thịt lợn mảnh theo yêu cầu của các nước nhập khẩu. Về lâu dài, tái cơ cấu ngành là vấn đề căn cốt nhất, do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các đơn vị rà soát lại tất cả các quy hoạch, và điều chỉnh lại cho phù hợp thực tế, thị trường; đồng thời ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đối với trục sản phẩm quốc gia (gồm 10 mặt hàng xuất khẩu tỷ đô la) cần tổ chức rà soát lại quy hoạch; đối với trục sản phẩm cấp tỉnh cần quy hoạch lại, từ đó đề ra chiến lược phát triển nâng cao giá trị gia tăng. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lấy ví dụ: "Đối với cá tra cần phải tổ chức sâu theo chuỗi và nghiên cứu kỹ thị trường. Đối với con tôm giữ ổn định khoảng 750.000 - 800.000 ha, nhưng giá trị phải tăng và lấy mốc đầu tiên là thị trường". "Ngay trong tháng 7 và tháng 8 này, lãnh đạo Bộ sẽ rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch từng lĩnh vực" - Bộ trưởng Cường nói rõ. Ông Vũ Đức Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, 6 tháng đầu năm, GDP toàn ngành tăng 2,65%. Cụ thể, nông nghiệp tăng 2,01%, lâm nghiệp tăng 4,31%, thủy sản tăng 5,08%; giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng 2,81%; trong đó, trồng trọt tăng 1,66%, chăn nuôi tăng 2,88%; lâm nghiệp tăng 4,45%, thuỷ sản tăng 5,17%.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 17,1 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 15,4%. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 3,08 tỷ USD (giảm 22% so với 6 tháng năm 2016) do kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thuỷ sản và vật tư nông nghiệp tăng cao (+25,4%). Đến cuối tháng 6, cả nước đã có 2.745 xã (30,76%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 89 xã so với cùng kỳ năm 2016); còn 194 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Bình quân cả nước đạt 13,87 tiêu chí/xã, tăng 9,17 tiêu chí so với năm 2010 và 0,87 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2016; có 34 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng thêm 11 huyện so với cuối năm 2016)./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn