Xin đi từ thực tiễn chỉ đạo sản xuất của huyện lúa Can Lộc trong những năm qua. Là một huyện thuần nông, Can Lộc đặc biệt chú trọng phát triển nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chất lượng cao. Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa, huyện xây dựng chính sách phù hợp để khuyến khích nông dân đầu tư chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng vật nuôi, cơ giới hóa sản xuất, áp dụng các tiến bộp KHKT mới vào sản xuất thâm canh… Vì vậy, sản xuất nông nghiệp của huyện luôn đạt được những kết quả quan trọng.
Can Lộc là huyện đi đầu trong phát triển cơ giới phục vụ sản xuất |
Tuy nhiên, vụ hè thu năm 2011 với diễn biến bất lợi của thời tiết, trong khi nhiều địa phương khác vượt lên khó khăn dành được những kết quả cao thì Can Lộc lại là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất.
Nguyên nhân chính là do sự buông lỏng công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, dẫn đến chậm trễ lịch thời vụ. Vụ 2011, trước cơn bão số 4, đến hơn 70% diện tích lúa vẫn đầy đồng, theo đó Can Lộc là một trong 3 địa phương “cán” mốc cuối cùng của vụ thu hoạch (vào 15/10).
Thất bại trên đồng ruộng đã được huyện thẳng thắn nhìn nhận, từ đó thực hiện thành công “lội ngược dòng” trong đông xuân 2011-2012. Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, “dám nghĩ dám làm”, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, mặc dù gặp không ít trở ngại nhưng Can Lộc đã tạo được bước đột phá “lịch sử” khi vận động được nông dân bỏ hẳn trà xuân sớm và giống lúa cũ IR 1820, và trên 50% diện tích được bắc mạ cấy.
Còn huyện lúa Đức Thọ, hè thu 2011, nhờ dồn sức chỉ đạo chạy đua với thời gian ngay từ đầu vụ nên đã cơ bản bảo vệ được thành quả sản xuất trong khi nhiều địa phương trở tay không kịp với mưa lũ.
Bên cạnh tập trung tuyên công tác truyền, vận động nhân dân và cử cán bộ bám sát đồng ruộng chỉ đạo, hướng dẫn cho bà con, huyện chuẩn bị trên 90% lượng giống ngắn ngày (dưới 100 ngày) và tổ chức bắc mạ để cấy 100% diện tích. Khâu làm đất được chú trọng bằng việc huy động tối đa các phương tiện, máy móc đồng thời tận dụng hết quỹ thời gian với phương châm gặt đến đâu tiến hành làm đất đến đó… Nhờ đó, phần lớn diện tích lúa của huyện được gặt trước khi mưa lũ đến, năng suất lúa bình quân đạt khá cao (49,5 tạ/ha).
Từ thực tiễn chỉ đạo sản xuất của các địa phương nêu trên, có thể rút ra được một bài học kinh nghiệm không mới nhưng luôn có tính thời sự và thiết thực, đó là ở đâu và lúc nào có sự chỉ đạo quyết liệt, trách nhiệm và phù hợp của cả hệ thống chính trị địa phương thì ở đó, sản xuất nông nghiệp vẫn thu được những thành quả quan trọng trong những khó khăn chung và ngược lại.
Phát huy vai trò công tác giám sát, chỉ đạo
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh gặp vô vàn những khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Thiên tai hoành hành liên miên, không chỉ làm giảm sút năng suất và sản lượng của cây trồng, vật nuôi mà còn gây đảo lộn lịch thời vụ theo hướng bất lợi.
Bắc mạ cấy là một trong những biện pháp rút ngắn thời gian sinh trưởng và phát triển của cây lúa |
Đặc biệt vụ hè thu - một trong những vụ sản xuất chính thường chịu rủi ro nhiều nhất do gặp mưa bão cuối vụ. Để hạn chế được những thiệt hại, từng bước thích nghi và “sống chung” với thiên nhiên khắc nghiệt, vai trò tham mưu của các cấp ngành chuyên môn, chỉ đạo điều hành của các cấp ủy, chính quyền được thể hiện rõ rệt hơn bao giờ hết.
Hè thu năm nay, để nắm được thế chủ động trong sản xuất trong khi thời vụ được dự báo là chậm hàng chục ngày, hơn bao giờ hết công tác chỉ đạo sản xuất cần phải được tiến hành khẩn trương và quyết liệt ngay từ hôm nay.
Thực tiễn công tác chỉ đạo sản xuất từ trước đến nay, xét về khía cạnh chủ trương, giải pháp, chúng ta có thừa các nghị quyết, chỉ thị, các chính sách cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn, ở nhiều địa phương người dân tiếp cận rất chậm hoặc không thể tiếp cận được với các chính sách của tỉnh.
Một số địa phương có sự quan tâm chỉ đạo nhưng chỉ dừng lại theo kiểu “xuân thu nhị kỳ”, chưa sâu sát, quyết liệt, chưa có tính sáng tạo, đột phá, vì vậy kết quả không cao, đặc biệt trong việc đối phó với các tình huống khó khăn như trong vụ hè thu năm nay.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và đúng hướng là yếu tố nền tảng đem lại thành quả sau một quá trình sản xuất |
Vấn đề đặt ra là phải dựa trên hệ thống các chủ trương, giải pháp chung để có kế hoạch chỉ đạo quyết liệt, cụ thể và căn cơ; phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn sản xuất ở từng địa bàn cơ sở; từ tâm tư, nguyện vọng của người dân để áp dụng các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp. Đặc biệt phải coi sản xuất nông nghiệp là mặt trận hàng đầu và có tính chiến lược.
Xin kết thúc loạt bài viết này bằng ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn: “Hè thu 2012 là vụ sản xuất triển khai chậm nhất trong điều kiện thời tiết được dự báo là khó khăn nhất từ trước đến nay. Vì vậy, không thể chậm trễ hơn, ngay từ bây giờ, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cần phải vào cuộc với một khí thế quyết tâm, nỗ lực và sáng tạo nhất.
Kiên quyết và nghiêm túc tuân thủ các biện pháp, giải pháp chỉ đạo của tỉnh; tập trung cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong cả quá trình sản xuất, đảm bảo thu hoạch càng sớm càng tốt nhằm bảo toàn thành quả sản xuất của bà con nông dân cũng như ngành nông nghiệp của tỉnh”.
Nguyễn Oanh- Hữu Trung- Vũ Dũng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn