Phát hiện sớm và khống chế không cho dịch bệnh lây lan ra diện rộng là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trong đó, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy chính quyền địa phương và ý thức của người chăn nuôi. Kỳ Trinh (Kỳ Anh) là một điển hình trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm vừa qua.
Ông Ngộ phấn khởi khi đàn gia cầm trong vùng dịch vẫn an toàn với dịch bệnh |
Sau khi phát hiện dịch tại thôn Đông Tiến, xã Kỳ Trinh tích cực phối hợp với ngành chuyên môn tập trung dập dịch với tinh thần khẩn trương và hiệu quả. Xã tiến hành lập ngay các chốt canh gác; phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại và lập biên bản tiêu hủy số gia cầm bị bệnh theo đúng quy định… Nhờ vậy, dịch cúm gia cầm tại đây đã được khống chế hoàn toàn.
Trong khi đó, xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên) là địa phương thứ 2 trên địa bàn tỉnh phát hiện dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, do ý thức của người dân cùng với sự vào cuộc thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương nên dịch bệnh phát sinh lây lan ra diện rộng. Nhìn chung công tác phòng chống dịch ở đây còn mang nặng tính “hình thức” đối phó. Chốt canh gác không có người trực; mặc dù ký cam kết nhưng nhiều hộ chăn nuôi vẫn thả rông gia cầm ra ngoài… Do đó, dịch đã lan rộng tới xã Cẩm Hòa và Cẩm Yên làm đàn gia cầm chết và buộc phải tiêu hủy trên toàn huyện Cẩm Xuyên lên đến 9.845 con, chiếm gần 80% cả tỉnh.
Qua đợt dịch cúm gia cầm này cho thấy ý thức của người chăn nuôi trong công tác phòng chống dịch còn nhiều hạn chế. Hầu hết người chăn nuôi thiếu hiểu biết về dịch bệnh. Thường khi phát hiện gia cầm bị bệnh, người dân không báo ngay cho chính quyền hoặc cơ quan chuyên môn biết mà gọi thú y tư nhân đến chữa trị hoặc mua vắc xin về tự tiêm. Chỉ đến khi nhìn đàn gia cầm của mình chết hàng loạt thì mới báo thì đã muộn.
Ông Trần Đắc Đình - thôn 4 xã Cẩm Hòa là hộ có truyền thống hơn 20 năm chăn nuôi. Vậy mà khi đàn gia cầm có triệu chứng bệnh cúm H5N1, ông vẫn không chẩn đoán được bệnh mà vẫn tiếp tục tự chữa trị và đã bị nếm thiệt hại.
Cũng chỉ với một hộ chăn nuôi bình thường, tại xóm 6 xã Cẩm Duệ, trong khi dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch mới nhưng, hộ ông Nguyễn Văn Ngộ - ở xóm 6 xã Cẩm Duệ nuôi hàng trăm con gia cầm lại “như không có việc gì”.
Ông Ngộ cho biết: Tôi có 1.100 con vịt, 100 con bồ câu và hơn 150 con gà nhưng không con nào bị bệnh cả. Trong khi đó, một vài hộ xung quanh nhà ông đều có gia cầm bị mắc bệnh. Khi thấy một vài người chở gia cầm đi ngang qua nhà, tôi liền mua ngay vắcxin dịch tả, tụ huyết trùng, viêm gan về tiêm cho toàn bộ số gia cầm của mình. Ngoài tiêm phòng vác xin 4 lần tôi còn phun hóa chất tiêu độc khử trùng khắp chuồng trại mỗi ngày 2 lần.
Những ví dụ thực tế nêu trên cũng chính là bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm. Vì vậy, để công tác phòng chống dịch cúm gia cầm nói riêng và dịch bệnh trong chăn nuôi nói chung đạt kết quả cao, ngành chuyên môn cần có sự phối hợp có hiệu quả với chính quyền địa phương thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức và phải thực sự đến được với người dân. Đồng thời nâng cao chất lượng công tác tập huấn về kỹ thuật; phát hiện dịch bệnh kịp thời để khống chế hiệu quả… Mặt khác, cũng cần kiên quyết xử lý nghiêm những địa phương, đơn vị còn chủ quan, thờ ơ khi xẩy ra dịch bệnh; kịp thời biểu dương khen thưởng những tập thể và cá nhân có thành tích trong công tác phòng chống dịch.
Theo hatinhonline.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn