Muôn vàn khó khăn
Ông Dình Chí Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay mà địa phương đang gặp phải là thiếu đất canh tác, thiếu nước sinh hoạt, nước cho sản xuất, giao thông đi lại khó khăn. Bà con thường sống rải rác trên các sườn núi, thời tiết khắc nghiệt nên sản xuất nông nghiệp chỉ được 1 vụ/năm. Do vậy để phát triển lâm, nông nghiệp cũng đã khó và xây dựng NTM đạt hiệu quả và bền vững lại càng khó khăn hơn.
Du khách chuẩn bị cho một sự kiện được tổ chức tại làng du lịch Homestay Lô Lô. Ảnh: T.T
Câu chuyện của Đồng Văn cũng là tình cảnh chung của cả Hà Giang. Với điều kiện thiếu đất sản xuất, cơ sở vật chất nghèo nàn, địa hình phức tạp đã ảnh hướng rất nhiều tới đời sống của bà con nông dân, mức đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn lớn, nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM từ ngân sách nhà nước cho các xã không đáp ứng được đủ nhu cầu.
Toàn tỉnh có 6 huyện thuộc diện nghèo nhất cả nước, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao (có xã lên đến 80% dân số). Do đó, việc vận động bà con hiến đất, hiến công lao động, vật liệu làm các công trình phúc lợi không được thuận lợi như các địa phương khác và giảm tỷ lệ hộ nghèo để bảo đảm tiêu chí NTM không phải dễ đối với Hà Giang.
Bên cạnh những khó khăn về địa lý, kinh tế, Hà Giang cũng gặp nhiều khó khăn khác như nhận thức của bà con dân tộc về vệ sinh môi trường còn hạn chế, không đảm bảo; chưa chủ động làm kinh tế... “Đặc biệt là theo phong tục tập quán của bà con từ trước tới nay thường không cho người khác ngủ trong nhà mình, vì vậy khi thực hiện chương trình Làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NMT cũng mất nhiều thời gian và công sức” – ông Thành chia sẻ
Biến khó khăn thành lợi thế
Bao năm qua, những miền núi đá tai mèo đã tạo nên cho Hà Giang những điểm du lịch với các cảnh quan đẹp, kỳ vĩ, có khu địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn và những đặc sản của bà con dân tộc thiểu số mà nhiều nơi khác không có được. Tận dụng những lợi thế đó, tỉnh Hà Giang đã và đang từng bước xây dựng các điểm du lịch xanh (Homestay), Lễ hội hoa tam giác mạch, điểm du lịch cột cờ Lũng Cú... để thu hút du khách, qua đó phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước xây dựng NTM bền vững.
Ngày 5.10.2017, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã ký Quyết định số 2013 ban hành Bộ tiêu chí NTM thuộc thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017 – 2020. Bộ tiêu chí chia làm 5 nhóm với 18 tiêu chí và 44 nội dung. Bộ tiêu chí nhằm tạo cơ hội, điều kiện cho các thôn của thị trấn cùng chung tay xây dựng NTM... |
Là một trong những hộ gia đình tham gia làm dịch vụ Homestay, anh Sình Gỉ Gai (thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn) chia sẻ: "Khi chưa tham gia chương trình này, thu nhập của gia đình rất thấp, điều kiện kinh tế khó khăn. Nhưng từ cuối 2015 tôi được địa phương cho đi học về hướng dẫn, quản lý du lịch và được Đại sứ quán Luxembourg tài trợ thiết bị sinh hoạt... Từ đó, số lượng du khách đến với gia đình ngày một đông hơn, thu nhập ổn định, đạt trên 40 triệu đồng/năm - cao hơn rất nhiều so với trước đây trồng lúa, ngô”.
Không chỉ phát triển các điểm du lịch xanh, Hà Giang còn xây dựng, quy hoạch những vùng chuyên canh sản xuất rau, cây dược liệu, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế như: Nuôi bò vỗ béo, dệt thổ cẩm...
Đứng trên mảnh ruộng của mình, anh Vàng Thìn Nghì (xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ) vui vẻ chia sẻ về thu nhập mà gia đình anh và bà con nông dân trong xã có được từ chương trình phát triển cây dược liệu: “Tôi bắt đầu đưa vào sản xuất cây đương quy Nhật từ năm 2007, đến nay thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm, cao gấp 10 lần so với trồng lúa, ngô. Trước kia, bà con sản xuất ngô chỉ thu được 30 triệu đồng/ha/năm chưa trừ chi phí. Còn bây giờ, mỗi hộ ngoài tiền cho thuê đất là 25 triệu đồng/ha/năm, còn có thêm 2 nhân khẩu được bố trí việc làm ổn định với mức lương 3,6 triệu đồng/tháng. Như vậy, với 1ha đất cho thuê, mỗi hộ gia đình đã có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm”.
Để đạt chỉ tiêu xây dựng NTM tới năm 2020, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Giang đã tập trung nguồn lực từ các cấp, các ngành trong toàn tỉnh, có kế hoạch hành động cụ thể, phân công công việc cho từng đơn vị, cá nhân phụ trách, xuống từng hộ gia đình giúp đỡ bà con nông dân cách sản xuất, chăn nuôi, quản lý kinh tế. Nhờ có hướng đi đúng, nên mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay toàn tỉnh Hà Giang đã có 18 xã đạt chuẩn NTM và một số xã đã đạt đủ 19 tiêu chí đang chờ thẩm định. Tỉnh phấn đấu đến hết 2017 sẽ có 23 xã đạt chuẩn NTM.
Theo Trang Thảo (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn