Nhiều dân và nhiều ô nhiễm
Hiện dân số Bình Chánh gần 700.000 người, phần lớn là do từ các địa phương khác chuyển đến. Trung bình mỗi năm, huyện này tăng khoảng 30.000 người. Trong đó, 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B có trên trên 100.000 người/xã. Điều này khiến việc quản lý, điều hành chịu áp lực rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng NTM. Đây cũng là 1 trong những lý do 2 xã này mới đạt 18/19 tiêu chí, trừ tiêu chí an ninh trật tự và hệ thống chính trị.
Vệ sinh kênh, rạch tại huyện Bình Chánh. Ảnh: T.Đ
UBND TP.HCM vừa triển khai kế hoạch về đẩy mạnh thực hiện công tác bảo vệ môi trường, duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2017-2020. Theo đó, đến năm 2020, chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định; không có tình trạng rác thải, nước thải xả trực tiếp ra môi trường; không có rác thải trước nhà, bãi rác tự phát; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường đạt trên 80%... |
Cũng do áp lực gia tăng dân số nên mặc dù các tiêu chí khác đều đạt nhưng chưa thật sự bền vững như tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập bình quân đầu người còn bấp bênh và nhất là vấn đề an ninh trật tự khi “chiếc áo” quản lý chính quyền kiểu huyện và xã không còn phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM cho rằng, đô thị hóa nhanh do dân số tăng khiến đất nông nghiệp của huyện Bình Chánh từ 16.000ha hiện nay sẽ giảm còn 8.000ha vào năm 2020, đặt ra nhiều vấn đề về quản lý. “Sự quá tải này đang là “nút thắt” ảnh hưởng đến việc triển khai xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo 2016 - 2020 của huyện”- ông Dũng chia sẻ.
Được biết, lãnh đạo huyện Bình Chánh đã đề nghị thành phố thí điểm cơ chế quản lý phường cho 8 xã có dân số đông để giảm bớt áp lực.
Không chỉ gặp áp lực dân số, môi trường là tiêu chí yếu nhất của Bình Chánh khi xem xét công nhận hoàn thành NTM. Hiện việc thu gom rác đã dần đi vào nền nếp, nhưng ô nhiễm nguồn nước, nhất là các tuyến sông và kênh rạch chưa được khắc phục. Hầu hết kênh, rạch trên địa bàn huyện, như: Kênh C, B, An Hạ đều trong tình trạng ô nhiễm nặng, nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Trong đó, nghiêm trọng nhất tại các xã Tân Nhựt, Lê Minh Xuân, Bình Lợi… Đây là hậu quả của việc xả thải trực tiếp ra kênh, rạch của các khu công nghiệp đóng trên địa bàn và rác thải từ các hộ dân.
Anh Nguyễn Văn Nhung – nhà ở cạnh Khu công nghiệp Lê Minh Xuân thổ lộ, nước thải từ một số công ty trong khu công nghiệp xả thẳng ra môi trường khiến kênh, rạch bị ô nhiễm trầm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và sản xuất nông nghiệp của nông dân. Còn ông Nguyễn Thanh Hội (xã Vĩnh Lộc A) phản ánh, dọc các tuyến đường liên ấp 1, 2, 3 đường Bến Lội, đường Vĩnh Lộc có nhiều xưởng tẩy, nhuộm vải hoạt động. Nhiều năm qua, các cơ sở này xả thải gây ô nhiễm môi trường.
“Người dân trong khu vực đã kiến nghị với chính quyền về vấn đề ô nhiễm. Một số cơ sở gây ô nhiễm đã bị chính quyền xử phạt, nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục” - ông cho biết.
Thành phố phải trợ lực
Có thể thấy, là huyện có xuất phát điểm thấp khi xây dựng NTM như huyện Cần Giờ, nhưng trong khi Cần Giờ đất rộng, người thưa, thì huyện Bình Chánh diện tích nhỏ hơn gần 2 lần nhưng dân số gần gấp 10 lần. Áp lực về mật độ dân cư và việc đô thị hóa nhanh khiến Bình Chánh bị tụt hậu lại phía sau so với 4 huyện khác của thành phố khi xây dựng NTM.
Theo ông Phụng, để cải thiện môi trường trên địa bàn huyện cần phải có sự trợ lực của thành phố. Cụ thể, các sở ngành cần xử lý nước thải từ đầu nguồn các con kênh. “Nếu nước thải công nghiệp từ các khu công nghiệp, như: Lê Minh Xuân, Tân Tạo, Đức Hòa 1 cứ đổ về, thì Bình Chánh không có cách nào để giải quyết. Sở Tài nguyên và Môi trường phải hỗ trợ Bình Chánh” - ông Phụng chia sẻ.
Ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Chánh văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP.HCM nhận định, những kết quả đạt được của huyện Bình Chánh thời gian qua là đáng ghi nhận, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội được xây dựng, tạo điều kiện phát triển sản xuất nên đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn được nâng lên. Nhưng cũng phải nhìn nhận, kết quả này mới là bước đầu, chưa như kỳ vọng của thành phố. So với 4 huyện ngoại thành khác của TP.HCM, Bình Chánh là huyện có nhiều thách thức từ áp lực về đô thị hóa và áp lực gia tăng dân số cơ học lớn.
Theo Trần Thế (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn