Nuôi lợn quy mô nông hộ là một trong những hướng phát triển kinh tế chủ lực của người dân huyện Vũ Quang |
Sau khi đạt đến mức giá cao đỉnh điểm (trên dưới 50.000 đồng/kg) vào khoảng giữa năm 2011, giá lợn hơi liên tục giảm. Có thời điểm chỉ còn khoảng 36.000 - 38.000 đồng/kg. Khoảng từ tháng 7/2013, giá lợn bắt đầu tăng dần và đến thời điểm 3 tháng gần đây đã lên đến 45.000 đồng/kg. Như vậy, sau thời gian khá dài giữ giá ở mức thấp, giá lợn hơi tăng mạnh, đảm bảo cho người nuôi có được một khoản lãi đáng kể.
Theo tính toán của nhiều hộ nuôi, nếu trừ hết chi phí đầu tư, người nuôi còn có lãi trên 500.000 đồng/tạ lợn hơi. Nguyên nhân của việc tăng giá thời gian gần đây, theo các nhà kinh doanh, đó là nhu cầu thịt lợn phục vụ Tết Nguyên đán tăng đột biến; thứ nữa là nguồn lợn hơi xuất sang Trung Quốc, sau một thời gian chững lại, hiện đang có chiều hướng gia tăng.
Sau thời gian dài nuôi cầm cự, thậm chí thua lỗ, việc giá lợn tăng cao đã làm nhiều hộ chăn nuôi phấn khởi với khoản thu nhập khá. Gia đình anh Nguyễn Liệu và chị Nguyễn Thị Tuyên ở thôn Khe Giao 1, xã Ngọc Sơn (Thạch Hà) là hộ phát triển chăn nuôi lợn trang trại quy mô vừa với đàn lợn thường xuyên có trong chuồng từ 100-150 con. Mặc dù trong thời gian dài, giá lợn xuống dốc thê thảm, không ít người ngán ngẩm bỏ cuộc, nhưng anh chị vẫn yên tâm duy trì đàn lợn một cách ổn định để chờ giá lên. Và kết quả là, trong thời điểm giá lợn tăng đột biến, gia đình anh có trên 100 con lợn đến kỳ xuất chuồng.
Anh Liệu cho biết: “Trong chăn nuôi phải chấp nhận quy luật về chu kỳ giá cả. Chuyện giá lợn lên xuống là hết sức bình thường. Giá xuống lâu rồi sẽ có lúc tăng trở lại. Chính vì vậy, bên cạnh phải đầu tư chăn nuôi với quy mô tương đối lớn; khi giá lợn lên có thể tăng đàn, còn khi giá xuống cũng phải chịu khó, thậm chí chấp nhận lỗ chút ít để duy trì đàn ở mức có thể để đón đầu thị trường. Tuyệt đối không nên chạy theo thị trường, khi giá lên thì đầu tư nuôi ồ ạt và khi giá xuống thì vội vàng giảm đàn hoặc bỏ nuôi, như vậy sẽ rất dễ thua lỗ”.
Cùng quan điểm này, rất nhiều mô hình chăn nuôi nông hộ đã có thu nhập khá khi giá lợn tăng cao, đặc biệt là đối với các địa phương có phong trào chăn nuôi nông hộ phát triển mạnh. Đến thời điểm này, huyện Vũ Quang có tổng đàn lợn 17.700 con, trong đó lợn nuôi trong nông hộ 10.600 con, chiếm 60% tổng đàn. Hầu hết các hộ chăn nuôi quy mô từ 20 con/lứa trở lên đều sử dụng chủ yếu thức ăn công nghiệp nên tốc độ tăng trưởng nhanh (trung bình mỗi năm xuất chuồng 3 lứa). Mặc dù trong một thời gian khá dài, giá lợn hơi giảm mạnh nhưng tổng đàn lợn nuôi trong nông hộ của Vũ Quang vẫn được duy trì đều (trên dưới 11.000 con).
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, chuyên viên Phòng NN&PTNT Vũ Quang, thì có được kết quả đó là nhờ người dân đã có tư duy phát triển bền vững. Phần lớn các hộ chăn nuôi quy mô từ 20 con đến dưới 100 con/lứa đều nuôi lợn nái để chủ động nguồn giống nên thường ít bị thua lỗ khi lợn xuống giá. Thứ 2 là người chăn nuôi đã có ý thức chấp nhận diễn biến của giá cả và cố gắng duy trì, phát triển đàn kể cả khi giá lợn xuống thấp nhất. Giá cả trong năm sẽ biến động lên, xuống nhưng tính cả năm, nếu giữ được đàn thì người chăn nuôi vẫn có lãi.
Những năm gần đây, trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh ta đặc biệt chú trọng phát triển chăn nuôi lợn theo hướng liên kết, hiện đại để tăng nhanh sản lượng thịt phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và tiến đến phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, không vì thế mà chăn nuôi nông hộ phải xếp vào hàng thứ yếu. Nếu như chăn nuôi liên kết có ý nghĩa về “điểm” thì chăn nuôi nông hộ có ý nghĩa về “diện” nhằm tạo ra nguồn sản phẩm dồi dào, ổn định; góp phần đưa thu nhập và đời sống của người nông dân phát triển đồng đều, vững chắc. Bởi vậy, bên cạnh phát triển chăn nuôi liên kết quy mô lớn, tỉnh đã có chủ trương và chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi nông hộ, gia trại theo hướng ổn định, an toàn và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Trong thực tế, chăn nuôi nhỏ lẻ thì lợi nhuận thấp, rủi ro cao hơn chăn nuôi liên kết, tập trung quy mô lớn, do các yếu tố như: con giống kém chất lượng nên thời gian nuôi kéo dài, năng suất thấp; việc áp dụng KHKT hạn chế; các dịch vụ đầu vào do số lượng ít nên mức hưởng lợi cũng thấp, dễ bị tư thương ép giá... Bên cạnh đó, việc quản lý các mô hình chăn nuôi nông hộ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là dễ xảy ra ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh. Vì vậy, để chăn nuôi nông hộ phát triển đảm bảo đúng định hướng và hiệu quả bền vững, cần phải có một chiến lược cụ thể cộng với hệ thống chính sách phù hợp. Trong đó, khuyến khích nhân dân mở rộng quy mô chăn nuôi, chủ động nguồn giống; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ KHKT; đảm bảo vệ sinh môi trường; đặc biệt là huy động mọi nguồn lực xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Từ đó, đổi mới căn bản về tư duy sản xuất hàng hóa trong phát triển chăn nuôi nông hộ.
Tiến Thành
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn