– Hình ảnh một nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ với năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp là kết quả tốt đẹp từ phong trào xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” được triển khai rộng khắp cả nước, không chỉ trên cây lúa mà các cây trồng khác. Đây là đánh giá chung của các chuyên gia trong Hội nghị “Cánh đồng mẫu lớn” (CĐML) tổ chức chiều 18-7 tại Hà Nội.
Con đường ngắn nhất xây dựng nông thôn mớiTheo ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, mô hình CĐML là bước đột phá của ngành nông nghiệp, là nơi áp dụng tất cả tiến bộ kỹ thuật tiên tiến nhất làm tăng năng suất, chất lượng hạt lúa, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân.
Ở nước ta, mô hình CĐML còn gặp nhiều khó khăn, nhưng bước đầu đã cho thấy xu thế tất yếu của sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là giải pháp thiết thực nhất cho sản xuất trồng trọt nói chung và cho sản xuất lúa nói riêng hiện nay và tương lai.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đào Quang Thu cho biết sự ra đời của CĐML – một hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả, phù hợp với thực tế hiện nay, đã đáp ứng được yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Mặc dù mới phát động phong trào hơn một năm nhưng mô hình CĐML bước đầu đạt kết quả đáng tích cực. Theo thống kê của Cục Trồng trọt, mô hình cánh đồng mẫu lớn đầu tiên ở An Giang với diện tích 200ha của vụ Hè Thu năm 2007, đến vụ Đông Xuân 2010-2011 tăng lên hơn 1000ha, cho năng suất từ 7,5 đến 8 tấn/ha, đặc biệt có hộ đạt tới 9 tấn/ha. Nông dân thu lãi hơn 150% so với phương thức canh tác trên cánh đồng nhỏ.
Cách làm là toàn bộ diện tích được doanh nghiệp ứng trước giống, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Khi thu hoạch lúa, doanh nghiệp cho phương tiện đến vận chuyển về nhà máy, đưa vào sấy đạt tiêu chuẩn không tính chi phí. Nếu thời điểm thu hoạch lúa mà giá lúa chưa tốt, doanh nghiệp cho nông dân đưa lúa vào kho tạm trữ trong 1 tháng không tính phí, chỉ thu tiền vận chuyển ban đầu. Quy trình này đã giúp nông dân trong vùng giảm chi phí và đạt lợi nhuận cao từ 30 đến 40 triệu đồng 1ha, mở ra hướng làm ăn mới trong hợp đồng đầu tư vật tư và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Mặt khác, cũng theo ông Tăng Minh Lộc, việc triển khai xây dựng mô hình CĐML gắn với sản xuất lúa tạo điều kiện thuận lợi cho ngành nông nghiệp quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng bền vững, đồng thời giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng nông sản theo hướng tập trung với khối lượng lớn, chất lượng cao. Đây sẽ là một trong những điều kiện góp phần xây dựng nông thôn mới.
Hơn nữa, mô hình CĐML còn giải đáp được bài toán về mô hình liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông, các bên tham gia đều hưởng lợi ích cao nhất. Cái hay của CĐML là lợi ích nông dân và doanh nghiệp đều được quan tâm đồng thời và cùng nhau chăm lo nên hiệu quả mang lại rất cao. Đây được xem là hướng mở mới trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Thông qua mô hình này, mối liên kết giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học ngày càng chặt chẽ, tạo sự phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi phong trào xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, cũng theo ông Tăng Minh Lộc, mô hình CĐML không chỉ tạo cơ hội khai thác thế mạnh của từng địa phương, tạo ra quy mô sản xuất lớn, khối lượng nông sản hàng hoá tập trung chất lượng cao , giá thành hạ mà qua đó sẽ là môi trường tích cực nâng cao kỹ năng sản xuất và ý thức kỷ luật của nông dân, giúp họ tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống vẫn ngay trên mảnh ruộng của mình. Điều này cũng là một trong những yếu tố góp phần vào thắng lợi của bài toán xây dựng nông thôn mới.
Vì thương hiệu lúa gạo Việt NamTheo TS. Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, với phương châm “Nông dân nhỏ nhưng cánh đồng mẫu lớn” sẽ hình thành những vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đây là một hình thức mới để tập hợp nông dân trong điều kiện thâm canh sản xuất lúa hiện nay.
|
Nhân rộng cánh đồng mẫu lớn mở ra cơ hội xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam. Ảnh minh họa: Internet |
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nhờ sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhiều địa phương, nhất là các tỉnh Nam bộ, mô hình này được coi là một hướng đi quan trọng trong sản xuất lúa gạo nói riêng, sản xuất trồng trọt nói chung trong thời gian tới.
Nhờ vậy, riêng vụ Hè Thu 2011, tổng diện tích gieo cấy lúa trong mô hình CĐML đạt khoảng 8.000ha. Trong đó, riêng tỉnh An Giang có diện tích thực hiện mô hình lớn nhất là 3.857ha với tổng số khoảng 6.400 hộ nông dân tham gia.
Còn riêng trong vụ Đông Xuân 2011-2012, tổng diện tích gieo cấy lúa trong mô hình này khoảng 20.000ha. Có 12/13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Tây Ninh tổ chức thực hiện mô hình này. Ngoài ra, nhiều tỉnh phía Bắc cùng tham gia, như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương…
T.S Nguyễn Trí Ngọc cũng đánh giá mô hình CĐML tiến tới vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, xuất khẩu đạt đến 1 triệu héc-ta là có thể tổ chức thực hiện được. Tuy nhiên cần phải có các bước đi và thời gian thích hợp để tổ chức triển khai. Đặc biệt, việc đẩy mạnh phát triển mối liên kết giữa 4 nhà trong việc thực hiện mô hình CĐML, trong đó vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng trong việc tham gia cung ứng vật tư đầu vào, chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đầu ra.
Tại hội nghị, các chuyên gia đều nhất trí cho rằng, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích lớn trong mô hình CĐML sẽ rút ngắn khoảng chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất, nâng cao năng suất bình quân trong toàn vùng, đồng thời gia tăng chất lượng lúa, gạo, cải thiện đời sống các nông hộ.
Đây cũng là nền tảng cho việc sản xuất lúa hợp chuẩn thế giới, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam trong nước và xuất khẩu là “lối ra” cho nông dân trồng lúa trong thời gian tới. Vì vậy, việc thực hiện thành công mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” cũng sẽ góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu đầu tư cho nông nghiệp, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu đầu tư cho nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Do đó, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn có hiệu quả.
Nguyễn Thảo
Nguồn:qdnd.vn