Đến năm 2010, Châu Bình đã hoàn thành xây dựng hệ thống đường bê-tông nông thôn với tổng chiều dài 60.614m (chiều ngang đường từ 0,6 - 2,5m), tổng kinh phí xây dựng 9,02 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 1,65 tỷ đồng, còn lại là kinh phí của Nhà nước và của các nhà tài trợ. Ngoài ra, xã còn hoàn thành 56 cầu bê-tông cốt thép liên xóm, ấp với tổng chiều dài 1.119,5m, bề ngang 0,8 - 2,6m, kinh phí 1,76 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 368 triệu đồng.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, một trong những kinh nghiệm giúp Châu Bình hoàn thành tốt chương trình bê-tông hóa lộ nông thôn là lãnh đạo địa phương đã thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, việc triển khai thực hiện xây cầu, đường đều được tham khảo, lấy ý kiến của nhân dân, mọi thu chi liên quan đến công trình đều công khai, minh bạch nên được quần chúng đồng tình ủng hộ cao.
Ông Đào Minh Huệ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho biết: “Khi họp để lấy ý kiến của nhân dân, chúng tôi luôn cố gắng giải thích cho bà con nắm được những lợi ích của việc làm đường nông thôn như tạo thuận lợi trong sinh hoạt, sản xuất và vận chuyển hàng hóa, lúc ốm đau bệnh tật cũng dễ bề đi lại. Nếu bà con đồng ý 100% thì vận động đóng tiền. Trong quá trình xây dựng, từ lúc mua vật tư cho đến thi công hay hoàn thành công trình đều có sự tham gia giám sát của bà con”.
Với cách làm trên, năm 2012, Châu Bình đã vận động nhân dân đóng góp trên 10 tỷ đồng, bao gồm đất đai, hoa màu, ngày công lao động, tiền mặt… Tiêu biểu trong phong trào trên phải kể tới cựu chiến binh Khưu Thoại Sĩ, ngụ tại TP. Hồ Chí Minh (quê ở Châu Bình) hiến 890m2 đất và hỗ trợ tiền mặt với tổng trị giá hơn 700 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa ấp Bình An; ông Võ Minh Thành ở ấp Bình Đông 2 lần hiến hơn 600m2 đất để địa phương xây nhà văn hóa ấp, trị giá trên 100 triệu đồng…
Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Văn Hội, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban chỉ đạo XDNTM xã Châu Bình cho biết: “Riêng năm 2012, xã đã xây dựng và bàn giao cho các hộ 23 căn nhà tình nghĩa, kinh phí 950 triệu đồng, 96 căn nhà tình thương (trong đó có 90 căn nhà thuộc Chương trình 167) với tổng kinh phí hỗ trợ 1,35 tỷ đồng”.
Để tăng thu nhập cho người dân, Châu Bình đã mở 5 lớp đào tạo nghề nông thôn, 12 lớp tập huấn, hội thảo, sinh hoạt câu lạc bộ nông dân; triển khai và tổ chức thực hiện giải pháp thoát nghèo bền vững bằng cách cho hộ nghèo vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần tăng thu nhập bình quân của xã lên 25,5 triệu đồng/người/năm (thu nhập bình quân của toàn tỉnh hiện đạt 23,7 triệu đồng/người/năm), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,88%.
Với những kết quả trên, Châu Bình đề ra mục tiêu đến cuối năm 2013 hoàn thành toàn bộ 19 tiêu chí và trở thành xã NTM đầu tiên của quê hương Đồng Khởi…
Phương Nghi
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn