Tuy nhiên, những ngày đầu tháng 7, dư luận xôn xao về chuyện huy động nguồn lực XDNTM ở Cẩm Minh khi đối tượng thu là trẻ trên 6 tháng tuổi, người già dưới 80 tuổi và cả người có hoàn cảnh khó khăn…
"NTM đâu phải việc của riêng ai”
Vào một ngày cuối tuần giữa trưa hè nắng gắt, kim nhiệt độ trong xe báo ngoài trời vượt tới đỉnh điểm 41 độ, con đường vào trung tâm xã Cẩm Minh xuất hiện từng đoàn người già trẻ, gái trai thi nhau hồ hởi ra đường lao động XDNTM. “Ngày không giờ, tuần không thứ”, ngoài sự lăn lộn của cán bộ chính quyền các cấp bám tiến độ thì sự góp sức của người dân là vô cùng quan trọng. Từ nhận thức đến hành động người dân Cẩm Minh đã tạo nên nhiều đổi thay trong chính cuộc sống của bà con.
Chúng tôi cùng tắm mình trong cái nắng gay gắt để chứng kiến sự quyết tâm đầy trách nhiệm của mọi người dân ở đây, toàn dân thôn 7 hồ hởi ra đường tham gia quét dọn vệ sinh trên các tuyến đường. Cụ Phạm Thị Tuyết (84 tuổi) nói với tôi: Già rồi chẳng giúp được gì,các khoản đóng nộp cũng được thôn, xã ưu tiên không phải đóng góp, nên mình phải ra tham gia lao động với mọi người bởi phong trào XD NTM đâu phải việc của riêng ai,mình già rồi thì làm, đóng góp cho mình, cho con cháu cùng hưởng”.
Ông Đinh Quang Ba, thôn trưởng thôn 7 niềm nở: Người dân rất phấn khởi vì XDNTM là làm cho mình, cho đẹp xóm, đẹp làng. Khi bắt tay thực hiện XDNTM, mọi chủ trường đều được Chi bộ thôn đưa ra bàn bạc trước, người dân thảo luận, dân đồng ý lúc đó xã, thôn mới làm. Ngay như chỉnh trang nhà văn hóa, hay sửa sang một đoạn đường nào đó đều thành lập ban giám sát, kinh tế, thủ quỹ, kế toán… Việc thi công, chi bộ giao cho lực lượng cựu chiến binh xây mương, xây tường rào, nông dân vá dắm tường nhà, phụ nữ san lấp các mặt sân… Mỗi người một việc, không ai bảo ai nên bộ mặt nông thôn đã thực sự đổi thay, làng quê luôn xanh, sạch, đẹp.
Cẩm Minh là xã miền núi bán sơn địa, vừa thoát khỏi xã 135, bước vào XDNTM trong điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn nhưng chính quyền và người dân vẫn quyết tâm vươn lên phấn đấu đạt chuẩn NTM. Từ việc chỉ biết hưởng thụ các dự án, mọi thứ đều được miễn phí 100% thì nay người dân đã “đoạn tuyệt” với tâm lý trông chờ, ỷ lại. Đã không còn những gian khó của vùng đặc biệt khó khăn, sự thay đổi đang đến dần từ trong suy nghĩ, hành động và những điều thiết thực nhất. Phong trào lớn, thêm sự đồng hành, quyết tâm và nỗ lực của người dân, Cẩm Minh đang tạo ra những giá trị sống trên chính vùng quê của mình. Từ xã trước đây thu nhập chỉ đạt trên dưới 10 triệu đồng/người, sau khi phát động phong trào XDNTM, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thu nhập bình quân đạt 31 triệu đồng/người/năm, bê tông hóa đường làng, đường ra đồng, hệ thống kênh mương dẫn nước tới chân ruộng. Đến thời điểm này, Cẩm Minh đã hoàn thành 20/20 tiêu chí NTM.
Huy động sức dân
Chiều 2/7, tại thôn 5, một cuộc họp bất thường được triệu tập ngay tại nhà văn hóa thôn, tham dự là các chủ thể của thông tin có những áp lực trong việc đóng góp XDNTM ở địa phương. Có 9 ý kiến phát biểu của các ông/bà: Nguyễn Thị Linh, Nguyễn Công Nông, Nguyễn Công Tam, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Công Lý, Phạm Thị Hiền, Nguyễn Văn Tịnh, Đặng Thị Thu, Đặng Văn Đồng, đều cho rằng: Việc XDNTM là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, nhằm mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân trên phương diện kinh tế lẫn tinh thần.
Việc đóng góp để XDNTM, có 8/9 ý kiến khẳng định chính quyền từ xã đến thôn triển khai đúng quy định, cấp ủy, chi bộ thống nhất ban hành Nghị quyết; sau khi có nghị quyết tiến hành họp toàn bộ nhân dân trong thôn để thông qua và được nhất trí 100% tổ chức thực hiện
Riêng bà Nguyễn Thị Linh cho rằng, việc đóng góp XDNTM, bà chấp hành nhưng đóng hơi quá sức.
Thôn 5 có diện tích tự nhiên 34ha với 75 hộ, 234 nhân khẩu, trong đó có 4 trường hợp được chế độ thương binh, 5 hộ nghèo, 3 người tàn tật nhưng vẫn lao động sản xuất bình thường, có 2 cháu trên 6 tháng đến 1 tuổi, có 13 cháu từ 1 tuổi đến 6 tuổi, có 26 người tuổi từ 60-79 tuổi. Hàng năm, Chi bộ có nghị quyết và họp toàn bộ dân để bàn bạc, thống nhất tiến hành. Được sự thống nhất của toàn thể nhân dân, thôn quyết định mức thu, đối tượng thu để XDNTM trên địa bàn, cụ thể như sau:
Về đối tượng thu: Toàn bộ công dân có hộ khẩu trên thôn, trẻ trên 6 tháng tuổi đến 79 tuổi. Năm 2017 thu 429.500 đồng/khẩu x 226 khẩu = 97.067.000 đồng. Năm 2018 thu 337.000 đồng/khẩu x 228 khẩu = 76.800.000đ. Số tiền này được thôn chi xây dựng các công trình như: Cổng chào 50.441.000 đồng, mái che nhà văn hóa thôn 21.000.000 đồng; cổng nhà văn hóa và hàng rào 17.0000.000 đồng; làm đường cấp phối (từ đường Kênh chính đến hồ Trọt Chưa) dài 600m, 12.000.000 đồng; đổ bê tông mặt đường tuyến nhà ông Sử, ông Nguyên, ông Đồng, dài 150m, 36.000.000 đồng; làm sân thể thao thôn 9.000.000 đồng; mương nội đồng tuyến Vũ Cầu dài 100m, 10.000.000 đồng; xây bồn hoa cây cảnh, hàng rào xanh 12.000.000 đồng.
Một số hộ dân trong thôn đều thừa nhận việc thu các khoản của thôn như thế là đúng. Trước lúc thu các khoản đóng góp, thôn đã tổ chức họp dân bàn bạc và dân thống nhất, đồng tình. Nhiều hộ dân còn giải thích thêm: Do địa bàn thôn rộng, dân số ít nên nhân dân đề xuất thu thêm các đối tượng như trẻ trên 6 tháng tuổi cũng tính là 1 khẩu.
Ông Nguyễn Công Nông, thôn 5, cho rằng: Bản thân là thương binh, xã, xóm họp có đề xuất miễn giảm nhưng tôi nhận thấy nguồn lực Nhà nước cũng có hạn nên vẫn tiên phong đóng nộp. Ngày xưa người ta ví dân Cẩm Minh muốn lên huyện phải cưỡi voi, các hộ gia đình ở cách nhau hàng trăm mét, tôi với bà con ở đây chẳng bao giờ nghĩ nó sẽ được bê tông hóa nhưng giờ đây ngay cả lối đi riêng của từng gia đình, vẫn được địa phương hỗ trợ xi măng để nhân dân cùng xây dựng.
Với hộ ông Nguyễn Trí Huân, bà Nguyễn Thị Linh, năm 2017, phải nộp hơn 7 triệu đồng các loại phí quỹ. Nhiều ý kiến của người dân thôn 5 cho rằng, để tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, địa phương đã đồng ý linh động để gia đình ông bà thuê máy cùng đợt với xã (trong 7,05 triệu đồng có 5,576 triệu đồng là tiền thuê máy san nền nhà cho con trai ở riêng). Như vậy, ngoài phần hỗ trợ theo chính sách thì việc thuê riêng máy móc, gia đình bà Linh phải tự thanh toán và nguồn này cũng không thể tính vào chi phí đóng nộp NTM gây hiểu nhầm cho mọi người về một phong trào lớn đang thu hút sự tham gia của chính quyền và người dân.
Tiếng nói người trong cuộc
Ông Đặng Văn Dũng, trưởng thôn 5, phân trần: Trong điều kiện đất rộng, người thưa, cả thôn chỉ có 75 hộ dân, gần 3,5 km cho hệ thống giao thông nông thôn, 2 km kênh mương nội đồng. Sở dĩ hai năm 2017- 2018, thôn thu ở người dân có trẻ trên 6 tháng tuổi, cụ già, hộ nghèo là vì dân thôn 5 thống nhất XDNTM theo cách tính đầu người, nên toàn dân ai cũng có nghĩa vụ đóng đậu như nhau. Dân số ít mà các công trình xây dựng cơ bản nhiều nên thôn thống nhất phải vận động thêm cả đối tượng đó mới đủ.
Ông Trần Văn Khiên, Chủ tịch UBND xã Cẩm Minh, cho rằng: Trong quá trình XDNTM phải dựa vào sức dân nên những hộ quá khó khăn được miễn, còn ai cũng có nghĩa vụ đóng như nhau. Việc thu chi đối với các đối tượng người già, gia đình nghèo khó, thương binh và trẻ nhỏ, chúng tôi đã có thông báo cụ thể đến từng thôn, nếu được sự đồng ý của người dân thì mới thực hiện. Vấn đề thu, chi được thực hiện theo quy chế dân chủ, chúng tôi không áp đặt. Còn việc thu XDNTM thế nào các thôn sẽ họp bàn và thống nhất với nhau.
Theo ông Đặng Quốc Cương, Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên: “XDNTM trong điều kiện nguồn lực ngày càng hạn hẹp, hơn lúc nào hết, sự tham gia đóng góp của người dân luôn giữ vai trò quyết định để hoàn thành các tiêu chí. Họ là chủ thể để bàn bạc, thảo luận, hạch toán chi tiêu, kiểm tra giám sát và cuối cùng là nghiệm thu chính các sản phẩm, công trình NTM. Tuy nhiên, việc đóng góp như thế nào, góp bao nhiêu, thể hiện tính dân chủ ra sao là cách làm ở mỗi thôn họp dân cùng bàn bạc, thống nhất. Khách quan mà nhìn nhận, trong XDNTM, có một số thôn do dân cư thưa thớt, đất rộng, người ít, đường sá giao thông nhiều nên nếu không có sự đóng góp của từng nhân khẩu sống trong thôn thì thôn cũng khó mà xoay xở để hoàn thành được các tiêu chí đề ra. Việc dư luận phản ánh thu tiền đóng góp XDNTM đối với trẻ trên 6 tháng tuổi, người già hay đối tượng được hưởng chính sách, mặc dù thôn đã tổ chức họp lấy ý kiến toàn dân đồng ý mới thu, nhưng với cách thu như trên, chúng tôi sẽ có ý kiến chỉ đạo về vấn đề này sao cho hợp với lòng dân”.
Theo Anh Bình- Trà Giang/kinhtenongthon.vn