Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn và lãnh đạo Sở NN&PTNT chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn giao Sở NN&PTNT xây dựng chương trình hành động về ATVSTP trong nông nghiệp năm 2017. Trong đó, làm rõ trách nhiệm công vụ của cơ quan chức năng cũng như thực hiện tuyên truyền sâu rộng nhằm thay đổi nhận thức của người dân.
Năm 2016, ngành NN&PTNT đã hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP; tăng cường thông tin, truyền thông về ATTP; phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn…
Đến hết năm 2016, cả nước có 50 tỉnh thành xây dựng thành công 444 mô hình chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn, truy xuất nguồn gốc, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như: VinGroup, Dabaco, Ba Huân… Trong năm, ngành NN&PTNT đã xử lý 4.800 cơ sở vi phạm với trên 28,5 tỷ đồng; chất cấm Salbutamol và chất vàng ô trong chăn nuôi đã được đẩy lùi…
Lực lượng chức năng kiểm tra ATVSTP tại các siêu thị. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, theo một số cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT, vẫn chưa ngăn chặn triệt để tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, kháng sinh trong chăn nuôi; công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp- ATVSTP còn bất cập…
Xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017, Bộ NN&PTNT tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý VSATTP; giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong SX-KD, đáp ứng yêu cầu về ATTP cho người tiêu dùng và mở rộng thị trường xuất khẩu. Bộ NN&PTNT xác định, đến cuối năm nay tỷ lệ vi phạm về tồn dư bảo vệ thực vật, kháng sinh, ô nhiễm vi sinh giảm 10% so với năm 2016; 100% tỉnh, thành phố phát triển, nhân rộng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, mặc dù công tác ATVSTP đã tạo bước chuyển biến quan trọng về nhận thức của toàn xã hội, song đây vẫn là mặt trận nóng bỏng, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Các địa phương bám vào các giải pháp để thực hiện tại tỉnh, thành phố mình bằng nhiệm vụ cụ thể. Tập trung thực hiện hai chương trình trọng điểm, gồm: tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, trong đó ATTP vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp, tạo động lực cho phát triển sản xuất, cho nông nghiệp an toàn theo hướng hội nhập, bền vững. Cùng với đó, tập trung cao cho giải pháp truyền thông, thanh tra về vấn đề ATTP.
Tại Hà Tĩnh, cùng với việc nâng cao công tác truyền thông, hỗ trợ các cơ sở SX-KD về ATVSTP, Sở NN&PTNT đã xây dựng, kết nối 4 cơ sở với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm an toàn để hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ khép kín; tổ chức 17 đoàn kiểm tra, phúc tra diện rộng về điều kiện SX-KD vật tư nông nghiệp; 7 đợt kiểm tra, giám sát ATTP; đánh giá, phân loại theo Thông tư 45 đối với 1.280 cơ sở, trong đó 1.167 cơ sở đủ điều kiện SX-KD (chiếm 91,18%); lấy gần 1.000 mẫu kiểm tra chất lượng trong chăn nuôi và thủy sản. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn