Kết thúc năm 2014, huyện Đan Phượng có thêm 7 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), qua đó nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên con số 13. Đây là tiền đề để Đan Phượng thẳng tiến về đích NTM trong năm 2015.
13/15 xã đạt nông thôn mới Sau 4 năm triển khai Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội đã thực sự tạo chuyển biến rõ nét trong đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của huyện Đan Phượng. Đời sống nông dân tiếp tục được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt xấp xỉ 27 triệu đồng (tăng 12,83 triệu đồng so với năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm còn 2,2%. Công tác chăm sóc y tế, GD&ĐT thường xuyên được quan tâm: 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường được phổ cập giáo dục tiểu học và THCS; 14/15 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 – 2020; tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 98%… Đặc biệt, trong công tác xây dựng NTM, đến nay, huyện Đan Phượng đã có 13/15 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM.
Xã Song Phượng, huyện Đan Phượng được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Trọng Tùng
Có được những kết quả đó, bên cạnh sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy - HĐND - UBND TP, các cấp, ngành huyện Đan Phượng, còn là sự đóng góp tích cực của Nhân dân địa phương. Cụ thể, trong 4 năm qua, người dân các xã trong huyện đã đóng góp gần 308 tỷ đồng và hàng ngàn mét vuông đất thổ cư, nông nghiệp cho xây dựng NTM. Điển hình như xã Phương Đình có trên 50 hộ hiến tổng cộng 450m2 đất, xã Song Phượng có trên 60 hộ tự nguyện hiến đất thổ cư để mở rộng đường làng, ngõ xóm. Ngoài ra, thông qua nhiều hình thức, hơn 20 tổ chức, DN trên địa bàn huyện cũng đã ủng hộ chương trình xây dựng NTM tổng cộng 1.080 tỷ đồng… Đích đến không còn xa Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện các mục tiêu Chương trình 02 của huyện Đan Phượng vẫn còn không ít khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Tịnh - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng thẳng thắn cho biết, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch mới đạt 13,86%, chưa bằng 1/2 tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch toàn TP (khoảng 36%). Vẫn còn trên 1% số hộ dân các xã ven sông Trung Châu, Liên Hà, Liên Trung… thường xuyên thiếu điện phục vụ sản xuất. Cùng với đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nông dân, nhất là ở những nơi bị thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu… Đây là bài toán không dễ mà lãnh đạo địa phương phải tìm lời giải. Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình 02 của Thành ủy, năm 2015, Đan Phượng sẽ đẩy nhanh việc xây dựng các đề án, khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; ứng dụng tiến bộ KHKT vào thực tiễn sản xuất; tổ chức các lớp đào tạo nghề, mở rộng việc phát triển các làng nghề, nhằm từng bước tăng thu nhập cho người nông dân. Bên cạnh đó, huyện mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của TP trong điều chỉnh quy hoạch phát triển cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn; điều tiết nguồn kinh phí đấu giá đất diện tích trên 5.000m2 ngay tại huyện để thực hiện đề án. Đồng thời, bố trí nguồn vốn hỗ trợ địa phương đưa 2 xã Thọ Xuân và Hồng Hà hoàn thành các tiêu chí còn dang dở, góp phần đưa huyện “về đích” NTM trong năm 2015.