Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Hải Võ Sỹ Duyệt nói về quy chế dân chủ cơ sở bằng câu chuyện thực tế trong huy động sức dân xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương. 5 nhà văn hóa thôn được xây dựng mới hoặc cải tạo với kinh phí lớn trong khi ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ được 180 triệu đồng/ 1 nhà văn hóa; đường điện thắp sáng làng quê dài hàng chục km do dân tự bàn, tự làm từ thôn này mở rộng ra thôn khác; Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ từ nguyện vọng của những người cao tuổi đã được người dân đồng lòng góp sức cải tạo với kinh phí 350 triệu đồng; 20 km đường GTNT được dân góp công, góp của xây dựng...
Mỗi câu chuyện, một cách làm nhưng con đường thành công đều bắt đầu từ việc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.
Về thôn Bắc Sơn Hải, chúng tôi được Bí thư chi bộ Dương Đình Thông mời đến thăm nhà văn hóa được xây dựng khang trang, trang bị các thiết chế văn hóa đồng bộ.
“Tổng kinh phí xấp xỉ gần 800 triệu đồng, trong khi đó, điểm xuất phát quỹ thôn là con số 0. Triển khai huy động từ nội lực, chúng tôi đã thực hiện hết sức bài bản việc tổ chức cho người dân bàn bạc, tính toán, quyết định phương án và giám sát trong cả quá trình thi công. Hàng chục cuộc họp đã được tổ chức để người dân biết và tham gia ý kiến vào những hạng mục, phần việc lớn, nhỏ. Ngay đến chuyện chọn người giám sát công trình cũng phải đúng người có kiến thức, được người dân tin tưởng. Nhờ đó, cuối năm 2016, nhà văn hóa thôn đã được xây dựng khang trang, dù ngày công, tiền của dân góp không ít nhưng ai cũng hài lòng” - ông Thông cho biết.
Còn ở thôn Nam Hải, dù hầu hết người dân thu nhập từ nông nghiệp nhưng nhiều công trình cơ sở đã được hoàn thành để đạt các tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu.
Trưởng thôn Lê Hữu Bường cho biết: Trong những cuộc họp cuối năm, thôn đã truyền đạt chủ trương, mục tiêu cụ thể trong năm tới. Đi kèm với đó là dự tính nguồn kinh phí khá chi tiết đối với từng công trình và tính toán kỹ về số tiền, ngày công cần huy động từ người dân. Khi những thông tin này được công khai rõ, người dân biết và tham gia bàn bạc, quyết định phương án huy động nguồn lực.
Trao đổi với chúng tôi, chị Phan Thị Bảo - một người dân trong thôn cho biết: “Mặc dù đời sống chúng tôi chưa khá giả, nhưng khi đã cùng bàn bạc, thống nhất, thấy đó là hạng mục cần thiết, phục vụ cho chính mình thì ai cũng quyết tâm làm. Thậm chí có những công trình do người dân chúng tôi chủ động đề xuất xây dựng như đường điện thắp sáng làng quê dài 5km chạy khắp toàn thôn”.
Năm 2016, sau 5 năm dồn sức, xã Kỳ Hải đã đạt chuẩn NTM trước 4 năm so với lộ trình. Trong đó, nguồn lực huy động từ cộng đồng dân cư đạt hơn 13,7 tỷ đồng.
Kết quả này, theo Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Hải, là nhờ sự đồng thuận, đoàn kết của nhân dân. Và sợi dây xuyên suốt tạo nên sự đoàn kết đó là quy chế dân chủ cơ sở đã được thực hiện bài bản, hiệu quả. Đây chính là nền tảng để Đảng bộ xã Kỳ Hải là một trong số ít các đơn vị có 27 năm liên tục đạt TSVM, trong đó nhiều năm đạt TSVM tiêu biểu; từ năm 2013-2017, nhân dân và cán bộ xã được huyện xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Theo Vũ Huyền/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn